|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lý do bạn có thể đoán đúng về tiền mã hóa nhưng vẫn mất tiền khi đầu tư

12:07 | 17/02/2022
Chia sẻ
Điều đáng buồn về đầu tư là bạn có thể đúng về tương lai tiền mã hóa nhưng vẫn không kiếm được lợi nhuận từ dự đoán của mình.
Lý do bạn có thể đoán đúng về tiền mã hóa nhưng vẫn đầu tư sai lầm - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Wall Street Journal)

Bitcoin đã bị giáng một đòn mạnh. Giá trị đồng tiền mã hóa này bốc hơi gần 36% so với đỉnh lịch sử tháng 11 năm ngoái. Giống như các loại tài sản rủi ro khác, bitcoin mất giá vì khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất.

Nhưng mức giảm 36% còn cách xa lần lao dốc tồi tệ nhất của bitcoin. Bitcoin sụt hơn 50% từ tháng 4 đến tháng 7/2021, sao đó vọt lên 130% vào tháng 11. Một số tài sản kỹ thuật số khác còn biến động mạnh hơn.

Nhiều nhà đầu tư tên tuổi ghét tiền mã hóa, Warren Buffett tuyên bố bitcoin "độc hơn cả bả chuột". Nhưng những người khác, bao gồm tỷ phú quỹ đầu cơ Paul Tudor Jones thì nhập hội với nhà đầu tư tiền mã hóa. Bởi dẫu sao thì khoảng chục năm nữa, công nghệ này có thể tạo ra cuộc cách mạng trên hệ thống tài chính toàn cầu.

Nhưng bất kỳ ai đang sở hữu hoặc nghĩ đến việc mua tiền mã hóa và các tài sản liên quan đối mặt với tình thế nan giải. Một điều trớ trêu khi đầu tư là bạn có thể đúng về tương lai nhưng vẫn sai về cách thu lợi nhuận từ ý tưởng của mình.

Lý do bạn có thể đoán đúng về tiền mã hóa nhưng vẫn đầu tư sai lầm - Ảnh 2.

Những người tiên phong công nghệ thường không thể duy trì thế dẫn đầu. Ít ai biết đến Excite, Infoseek hay WebCrawler nhưng gần như đều rõ về Google. Ba công cụ tìm kiếm trên ra đời trước nhưng Google mới trở thành kẻ thống trị. Và mọi người không search từ khóa trên thiết bị được chế tạo bởi MITS, Imsai, Cromemco hay Commodore mà là trên iPhone, smartphone Android, Macbook hay PC chạy Windows.

Tuy bitcoin đã tồn tại 13 năm, nhưng thị trường tiền mã hóa còn cách xa giai đoạn trưởng thành. Ông Leigh Drogen, Giám đốc quỹ đầu tư chuyên về tài sản kỹ thuật số Starkiller Capital cho biết thế giới chưa từng chứng kiến loại tài sản nào mà kẻ thắng người thua thay đổi chóng mặt như tiền mã hóa.

"Rất có thể không một đồng tiền mã hóa nào hiện nay tiến tới giai đoạn giành được thị phần đủ để loại bỏ mọi đối thủ còn lại", ông Drogen nhận định. "Rốt cuộc thế giới có thể nhìn thấy một loạt công nghệ liên tục lật đổ lẫn nhau".

Giáo sư tài chính Campbell Harvey của Đại học Duke khuyên: "Bạn có thể tin vào sự đột phá, nhưng việc sở hữu một khoản đầu tư duy nhất trong một phần của thị trường tiền mã hóa – ví dụ như bitcoin – chắc chắn không phải ý tưởng tốt".

Đáng tiếc, đa dạng hóa trong vũ trụ tiền mã hóa là điều rất khó. Nếu muốn mua mỗi cổ phiếu trong S&P 500, bạn có thể dễ dàng làm điều này tại nhiều công ty môi giới và với chi phí rẻ. Sau đó bạn chỉ cần mua hoặc bán vài cổ phiếu mỗi năm để mô phỏng chỉ số. Cố gắng làm điều tương tự trong thị trường tiền mã hóa biến động điên cuồng sẽ rất đắt đỏ và khiến bạn phát điên vì phải liên tục theo dõi giao dịch.

Lý do bạn có thể đoán đúng về tiền mã hóa nhưng vẫn đầu tư sai lầm - Ảnh 3.

Tới nay, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) chưa phê chuẩn quỹ tương hỗ có thể đầu tư trực tiếp vào tài sản kỹ thuật số, tờ Wall Street Journal cho biết. 

Do đó hầu hết nhà đầu tư nhỏ lo ngại về phí chỉ có thể mua một hoặc nhiều nhất là vài loại tiền mã hóa một lúc. Đây là cách tuyệt vời để "được ăn cả, ngã về không", nhưng không hữu hiệu trong việc đánh cược một cách đáng tin cậy vào tiềm năng tăng trưởng của tài sản kỹ thuật số nói chung.

Gần đây, các rổ tiền kỹ thuật số được phép giao dịch đang nổi lên, nhưng phí của chúng rất đắt và nhà đầu tư phải có "ví" riêng để nắm giữ tài sản kỹ thuật số trực tuyến.

Do đó những nhà đầu tư muốn đa dạng hóa tiền mã hóa nhưng không đủ điều kiện đầu tư trực tiếp vào quỹ mạo hiểm hoặc quỹ đầu cơ chỉ có hai lựa chọn kém hoàn hảo.

Các công ty như Bitwise và Grayscale Investments quản lý danh mục đầu tư đa dạng hóa của các tài sản tiền mã hóa hàng đầu. Tuy nhiên, chúng yêu cầu mức phí hàng năm đắt đỏ và không phải là quỹ tương hỗ hoặc ETF.

Do đó không phải lúc nào cũng có sẵn chứng chỉ quỹ mới cho người mua và người bán cũng không dễ thoái vốn. Vậy nên giá chứng chỉ quỹ được quyết định bởi cung cầu và có thể chênh lệch rất lớn với giá trị tài sản chúng nắm giữ. Tại mọi thời điểm, bạn có thể nhận được giá cao hay thấp hơn nhiều giá trị tài sản ròng.

Ngoài ra, những danh mục này được niêm yết trên thị trường OTC với mức phí giao dịch cao hơn đáng kể sàn Nasdaq hay NYSE.

Lựa chọn thứ hai: Các quỹ "cuốc và xẻng", biệt danh được đặt theo thực tế rằng bên kiếm được tiền lớn trong Cơn sốt vàng 1849 không phải là thợ đi tìm vàng mà người bán cho họ dụng cụ và dịch vụ.

Các quỹ "cuốc và xẻng" này không nắm giữ trực tiếp tài sản tiền mã hóa, mà sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp tạo điều kiện giao dịch tiền kỹ thuật số, "đào" hoặc sản xuất chúng, hoặc cung cấp các dịch vụ khác cho ngành.

Có thể kể đến một số quỹ ETF như Amplify Transformational Data Sharing, Bitwise Crypto Industry Innovators, Global X Blockchain, Grayscale Future of Finance và VanEck Digital Transformation.

Rắc rối là hiện giờ chưa có nhiều công ty cung cấp "cuốc xẻng" cho tiền mã hóa, dù chắc chắn trong tương lai số lượng của chúng sẽ tăng lên. Do đó những quỹ này chỉ nắm giữ vài chục loại cổ phiếu và đa phần đổ vào một số công ty như Coinbase Global, Silvergate Capital, Block và Hut 8 Mining. Như vậy, bạn kiếm lời gián tiếp từ tiền mã hóa thông qua một số công ty có lịch sử hoạt động ngắn ngủi.

Rốt cuộc, điều quan trọng nhất là cảm nhận của bạn về rủi ro. Không ai đến trường đua ngựa và đặt cược vào mọi con ngựa, hay đặt tiền vào tất cả các số trong vòng quay roulette một lúc. Nếu đánh bạc, một hoặc vài đồng tiền mã hóa sẽ cho bạn cảm giác hưng phấn, dù bạn nên chuẩn bị tâm lý lãi lớn hoặc mất sạch.

Đánh bạc là để tìm cảm giác mạnh, còn đầu tư là để làm giàu. Vậy nên đa dạng hóa là điều không thể bỏ qua. Cho đến khi các lựa chọn phí thấp trở nên dễ tiếp cận hơn, hầu hết nhà đầu tư sẽ ở ngoài thị trường tiền mã hóa.

Giang