'Giải mã' cơn sốt tiền mã hoá tại Việt Nam: Thu hút nhiều người trẻ, chấp nhận rủi ro
Nam tham gia "cơn sốt" tiền mã hoá vào tháng 3/2021 và đã đầu tư khoảng 3.000 USD. Là một "lính mới" lại trở thành một lợi thế của anh, Nam chia sẻ trên Tech in Asia. "Tôi không đọc nhiều. Tôi quyết đoán vì tôi không biết nhiều và không sợ gì cả".
Cuối cùng, Nam kiếm được đủ tiền từ tiền mã hoá để "giải cứu" nhà hàng của anh ở TP HCM bị đóng cửa nhiều tháng vì COVID-19.
Hiện tại, các yêu cầu giãn cách xã hội tại TP HCM đã được nới lỏng và công việc kinh doanh của Nam đã hoạt động trở lại. Lúc này, nhà hàng lại là một nguồn thu nhập để duy trì các khoản đầu tư vào tiền mã hoá của anh. Nam không quá quan tâm đến việc tài sản mã hoá của anh đã mất gần 46% giá trị gần đây.
"Khác với thị trường chứng khoán, thế giới mã hoá thuận tiện đối với tôi hơn vì nó hoạt động 24/7", anh chia sẻ. "Tôi thường dậy muộn và điều này có nghĩa là tôi bỏ nỡ phiên giao dịch buổi sáng của thị trường chứng khoán".
Mặc dù Việt Nam vẫn là một xã hội dùng tiền mặt, việc đón nhận tiền mã hoá tại đây cao một cách đáng ngạc nhiên.
Gần 6 triệu người, tương đương 6% dân số, sở hữu các tài sản số, cao số 5 trên thế giới, theo dữ liệu của công ty thanh toán tiền mã hoá TripleA. Việt Nam và Ấn Độ cũng dẫn đầu bảng xếp hạng đón nhận tiền mã hoá của nhà đầu tư cá nhân do Chainalysis đưa ra.
Nhiều năm trước, nhóm dân số trẻ và yêu công nghệ Việt Nam đã bỏ qua thời kỳ desktop để nhảy thẳng lên thời kỳ di động. Hiện nay, điều tương tự cũng có thể đang xảy ra với tiền mã hoá.
Mặc dù chưa được chính phủ công nhận, tiền mã hoá trở thành một tài sản đầu tư nóng, đặc biệt là đối với người trẻ. Đại dịch COVID-19 và Axie Infinity, một trò-chơi-để-kiếm-tiền (play-to-earn), đã thúc đẩy sự đón nhận tiền mã hoá.
Bên cạnh vàng và bất động sản, nhiều người bắt đầu "chơi coin".
Trung gia nhập thị trường vào năm 2014 và may mắn thoát ra vào năm 2018 trước khi "mùa đông tiền mã hoá" ập đến. Anh trở lại vào năm 2020 và hiện tại anh có xu hướng đọc và tham vấn nhiều luồng thông tin khác nhau. "Hiện tại, danh mục của tôi có 40% tiền mã hoá, 40% chứng khoán và 20% tiết kiệm", anh chia sẻ.
Sinh ra vào năm 1996, Trung coi mình là thế hệ "già" so với các nhà đầu tư tiền mã hoá hiện tại. "Gen Z biết nhiều về thị trường hơn tôi", anh chia sẻ và nói thêm rằng một số "thậm chí mượn tiền bố mẹ để đầu tư".
Tương tự Hàn Quốc, nơi tiền số được xem là "lối thoát" cho người trẻ, nhiều người trẻ ở Việt Nam chưa tìm được tự do tài chính dù có công việc ổn định. "Thay vì làm việc chăm chỉ và nhận 20 triệu mỗi tháng, bạn có thể kiếm được 10 triệu đồng mỗi ngày từ tiền mã hoá", Trung nói thêm.
Số lượng các nhóm chia sẻ và thảo luận về tiền mã hoá bằng Tiếng Việt của các nhà đầu tư tăng mạnh. Các vụ lừa đảo như vụ mới nhất liên quan đến trò chơi NFT CryptoBike thường xuyên được truyền thông nhắc đến, song chưa đủ để các nhà đầu tư mong muốn làm giàu nhanh từ tiền mã hoá nản lỏng.
Nichole Nguyen, người quan sát mảng blockchain tại Việt Nam hơn một thập niên vừa qua, nói rằng bà không ngạc nhiên khi tiền mã hoá được đón nhận tại đây.
Bà cho rằng các nhà đầu tư tiền mã hoá Việt Nam có "cảm giác cộng đồng" mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là nếu ai đó cảm nhận được cơ hội, họ sẽ khuyên bạn bè và người thân tham gia hoặc mua một đồng tiền nào đó.
"Đại dịch ảnh hưởng đến nhiều kênh kinh doanh và vì thế mọi người đáng cược vào tiền mã hoá, vốn cởi mở và không có rào cản nào", Nichole, cố vấn cho Blockchain Founders Fund, chia sẻ.
Chứng khoản Việt Nam cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ với số lượng tài khoản mở mới tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Dù vậy, với những doanh nhân như Duc Trinh, người đồng sáng lập NekoVerse, thị trường chứng khoán địa phương không có sự linh hoạt như đầu tư tiền mã hoá và các điểm nhấn hấp dẫn như NFT, blockchain hay Web3 (web phi tập trung). Ông Trinh cho rằng đón nhận tiền mã hoá ở Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ gấp 7 lần thị trường chứng khoán.
Thành công toàn cầu của Axie Infinity đưa làng game Việt vào tiêu điểm. Sky Mavis, startup đứng sau trò chơi này, đạt định giá 3 tỷ USD vào năm ngoái và có thời điểm có tới gần 2 triệu người dùng hoạt động hàng ngày.
Ngay sau đó, "trào lưu" GameFi (chơi game để kiếm tiền) tại Việt Nam thăng hoa với các dự án mới được giới thiệu gần như mỗi tuần.
Jun Wakabayashi, một chuyên gia tại AppWorks, nhận định không phải ngẫu nhiên mà GameFi trở thành "điều to lớn" ở Việt Nam. "Ngay cả trước cơn sốt tiền mã hoá, người Việt đã thích các trò chơi đơn giản. Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".
AppWorks "chốt" 150 triệu USD tiền vốn cho quỹ Fund III của nó hồi tháng 8 năm ngoái và đưa blockchain thành lĩnh vực đầu tư cốt lõi.
Vì GameFi thúc đảy người dùng, đặc biệt là những người chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng truyền thống, học hỏi và đón nhận tiền mã hoá, ông Jun Wakabayashi tin rằng xu hướng này sẽ thúc đẩy nhiều công ty thêm các sản phẩm tài chính khác.
Cộng đồng công nghệ Việt Nam cũng có cùng niềm tin này. Với Nguyễn Thế Vinh, người đồng sáng lập và CEO Coin98, việc GameFi trở thành mảng đầu tư nóng nhất là dễ hiểu. "Các dự án này dễ dàng có doanh thu và người dùng mới. Vấn đề là nguồn lực có thể được các đội ngũ khác tận dụng tốt hơn để xây dựng nhiều thứ khác hơn trên blockchain, ông nói thêm.
Được thành lập vào năm 2017, Coin98 cho phép người dùng trao đổi, vay, mượn, đầu tư và kiếm tiền mã hoá. Startup này hiện có hơn 1 triệu người dùng tại hơn 150 quốc gia. 25% trong số này đến từ Việt Nam.
Dù tốt hay xấu, "tiền mã hoá cũng là khái niệm đầu tư đầu tiên với nhiều người Việt và các quốc gia khác tại Đông Nam Á", Peter Hoang, CEO và đồng sáng lập nền tảng đầu tư mã hoá Finblox, nói. "Lần đầu tiên, họ có thể tiếp cận được với một loại tài sản toàn cầu và đầu tư với phần còn lại của thế giới". Dù vậy, ông Hoang nói rằng mới chỉ có khoảng 2% dân số Đông Nam Á tiếp cận với tiền mã hoá.
Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng với tiền mã hoá, vì thế, việc đầu tư vào tài sản này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Về mặt kỹ thuật, người dùng có thể dùng các sàn giao dịch ngang hàng như Binance để mua tiền mã hoá từ các nhà đầu tư cá nhân khác.
Đầu năm ngoái, Binance ra mắt dịch vụ giao dịch ngang hàng đối với VND. Ông Changpeng Zhao, CEO Binance, nói rằng Việt Nam có thể là "trung tâm blockchain thế giới tiếp theo".
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cấm tất cả các giao dịch liên quan đến tiền mã hoá trong hệ thống ngân hàng. Điều này có nghĩa là người dùng không thể sử dụng ngân hàng để mua hoặc chuyển đổi tiền mã hoá.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Mặc dù chi tiết dự án này chưa được công bố, mục tiêu của nó là tìm hiểu các khía cạnh tích cực và tiêu cực của tiền mã hoá vì đây là xu hướng "không thể tránh khỏi".
Ở giai đoạn này, chính phủ nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng chưa thể hiện quan điểm rõ ràng về cách quản lý tiền mã hoá.
Indonesia cho phép người dùng trao đổi tiền mã hoá nhưng không công nhận nó là phương tiện thanh toán. Trong khi đó, Philippines cho phép sử dụng tiền ảo để "mua đồ ảo" hoặc thậm chí "đồ thật từ các cửa hàng trực tuyến".
Hoạt động ở một lĩnh vực chưa rõ ràng khiến các nhà đầu tư không được bảo vệ một cách đầy đủ. Dù vậy, với nhiều người, đây là một rủi ro xứng đáng.
Dù vậy, những người ủng hộ như Nichole hy vọng rằng xu hướng trên sẽ dẫn đến sự ra đời của nhiều ứng dụng hữu ích ứng dụng blockchain.
Ông Wakabayashi của AppWorks cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nhất là khi Việt Nam có nguồn nhân sự kỹ thuật giỏi dồi dào.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/