|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Lương thưởng không phải mục tiêu', đây mới là nguồn thu khủng của nhiều lãnh đạo

07:00 | 07/03/2024
Chia sẻ
Nhiều lãnh đạo cấp cao trên thị trường sẵn sàng không nhận thù lao hoặc chỉ nhận ở mức tượng trưng. Song thu nhập của những lãnh đạo này từ nguồn cổ tức tiền mặt, ESOP lớn gấp nhiều lần so với lương thưởng ở công ty.

"Với lãnh đạo cấp cao, lương thưởng không phải mục tiêu", đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) trong buổi họp với nhà đầu tư cuối tháng 2 vừa qua.

"Ở lãnh đạo cấp cao, họ chiến đấu cho sự thành công. Với Thế Giới Di Động, khi thành công lộ diện thì công ty luôn có chính sách để chia sẻ cho người tạo ra nó, tức là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Thành ra đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn biết rất rõ và có niềm tin vào điều đó nên chưa có ai đề cập tới lương bổng. Bao nhiêu năm nay, chưa có ai gặp tôi để xin tăng lương bởi khi tạo ra thành quả thì sẽ được chia sẻ”, người đứng đầu MWG nói thêm.

Trong đội ngũ lãnh đạo của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam này, ông Phạm Văn Trọng - Quyền Giám đốc điều hành Bách Hoá Xanh đã không nhận lương kể từ ngày chính thức dẫn dắt chuỗi này vào tháng 4 năm ngoái. Thời điểm đó, Chủ tịch MWG cho hay ông Trọng sẽ không nhận lương cho tới khi Bách Hoá Xanh đạt hiệu quả. 

Ông Nguyễn Đức Tài cho biết "hiện ông Trọng có thể nhận lương rồi nhưng vẫn chưa chịu nhận". 

Trên thực tế, không hiếm lãnh đạo cấp cao tại các công ty niêm yết không nhận lương hoặc chỉ nhận mức lương tượng trưng. Đơn cử như ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) hay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cùng các thành viên HĐQT cũng không nhận thù lao.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT CTCP FPT (Mã: FPT) cùng hai người sáng lập và nằm thành viên HĐQT tập đoàn là ông Đỗ Cao Bảo và ông Bùi Quang Ngọc nhận lương 0 đồng nhiều năm qua.

Ở ngành chứng khoán, bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC - Mã: VCI) cùng ba thành viên HĐQT không điều hành là ông Tô Hải - CEO của VCSC, ông Nguyễn Hoàng Bảo, ông Trần Quyết Thắng đều không nhận thù lao trong nhiều năm.

Trong ngành xây dựng, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) chỉ nhận lương 1 USD từ 2021 cho tới khi tình hình kinh doanh của Coteccons được cải thiện.

Ông Bolat ngồi ghế Chủ tịch Coteccons và cam kết nhận mức lương tượng trưng trong bối cảnh doanh nghiệp trải qua giai đoạn kinh doanh xuống dốc,những bất ổn, xung đột ở bộ máy thượng tầng và ngành xây dựng đi vào con đường khủng hoảng.

 

Tôi cam kết chỉ nhận mức lương 1 USD cho đến khi tình hình kinh doanh của công ty được cải thiện. Hãy kiên nhẫn và đồng hành, những quả ngọt sau này, chúng ta sẽ cùng hái.

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons

Tiền cổ tức của Chủ tịch MWG gấp 80 lần thu nhập cả năm

Thực tế có thể thấy với những doanh nghiệp lớn ngoài lương, thưởng thì những lãnh đạo chủ chốt còn nhận được cơ chế ESOP với giá ưu đãi nhằm ghi nhận những đóng góp của họ và để giữ chân nhân tài.

ESOP của các doanh nghiệp thường được bán với giá ưu đãi là 10.000 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu của các đơn vị đứng đầu ngành như MWG, FPT, CTD,... Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn phát hành ESOP 0 đồng cho nhân viên như CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG), CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG).

Nguồn thu nhập từ ESOP và cổ tức hàng năm còn lớn hơn gấp nhiều lần so với mức thù lao các lãnh đạo cấp cao được nhận.

 Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG. (Ảnh tư liệu: Nguyên Ngọc).

Minh chứng cho câu nói của người đứng đầu MWG, dù ông Nguyễn Đức Tài vẫn có thu nhập nhưng chỉ ở mức 230 triệu đồng/năm tức chưa được 20 triệu/tháng.

Song với hơn 35 triệu cổ phiếu sở hữu thời điểm trả cổ tức năm 2023, ông Tài đã nhận về gần 18 tỷ tiền cổ tức năm qua (500 đồng/cp). Hiện, ông Tài nâng số cổ phần nắm giữ tại MWG lên hơn 35,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,42% vốn.

MWG là doanh nghiệp duy trì chính sách ESOP trong nhiều năm. Vấn đề ESOP luôn là một chủ đề nóng gây tranh cãi trong nhiều ĐHĐCĐ thường niên của MWG xoay quanh lợi ích của lãnh đạo và cổ đông.

 

Nếu chính sách ESOP của công ty không còn tồn tại thì tôi cho rằng đó là dấu hiệu phản ánh thành tích của tập đoàn này sẽ không thể duy trì, không được đảm bảo trong tương lai"

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT của Thế Giới Di Động

Ở MWG để phát hành ESOP, doanh nghiệp sẽ được thông qua các tiêu chí về tỷ lệ phát hành, càng vượt xa kế hoạch kinh doanh thì tỷ lệ phát hành càng lớn song sẽ được khống chế ở một mức trần (thường dưới 3% số cổ phiếu đang lưu hành).

Năm 2022, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng suy giảm lợi nhuận sau những năm liên tục tăng tốc do đó chính sách ESOP đã không được thực thi đồng thời mức chi trả cổ tức cũng giảm một nửa so với năm trước đó. Năm 2023, lợi nhuận của MWG về đáy 10 năm trong bối cảnh sức mua suy yếu nên nhiều khả năng cao sẽ không có chính sách ESOP.

Hay với Vingroup, năm qua, tập đoàn này đã phân phối gần 10 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cp cho 37 cán bộ cấp cao, có thời gian làm việc trên 7 năm ở công ty.

Ở Coteccons, kể cả trong giai đoạn khó khăn, công ty vẫn có chính sách ESOP. Hồi đầu năm, Chủ tịch Coteccons vẫn được mua 80.000 cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/7 giá cổ phiếu CTD trên thị trường. 

Chủ tịch FPT lương 0 đồng nhưng thu nhập cả trăm tỷ

Với việc duy trì cơ chế ESOP hàng năm và cổ tức cổ phiếu giúp số cổ phần nắm giữ của các lãnh đạo tăng đều qua các năm. Cộng với lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn thì đây là nguồn thu nhập lớn gấp nhiều lần thù lao của lãnh đạo FPT.

 Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT. (Ảnh: FPT).

Năm 2023, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhận 220.993 cổ phiếu từ chương trình ESOP giá bằng 1/10 thị giá, đồng thời nhận thêm gần 11,6 triệu cổ phiếu FPT từ đợt trả cổ tức cổ phiếu.

Hết năm 2023, ông Trương Gia Bình sở hữu hơn 88,7 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng tỷ lệ gần 7% vốn điều lệ.

Năm 2023, FPT chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2.000 đồng/cp, đồng nghĩa rằng ông Trương Gia Bình có thể nhận về khoảng 153 tỷ đồng.

Người cộng sự của ông Trương Gia Bình là ông Đỗ Cao Bảo cũng nhận về 59.419 cổ phiếu ESOP,  nhận thêm gần 1,9 triệu cổ phiếu FPT năm 2023. Ước tính, ông Bảo nhận khoảng 25 tỷ từ cổ tức năm qua nhờ nắm hơn 12 triệu cổ phiếu FPT.

Còn ông Bùi Quang Ngọc nhận 72.580 cổ phiếu ESOP, hơn 3,2 triệu cổ phiếu phát hành thêm. Số tiền ông Ngọc nhận được từ đợt chi trả cổ tức tiền mặt năm qua là 43 tỷ đồng.

Không chỉ MWG và câu chuyện ESOP cũng trở thành vấn đề được đem ra thảo luận tại nhiều kỳ ĐHĐCĐ thường niên tại tập đoàn công nghệ này.

Tại buổi họp thường niên năm 2023, giải đáp thắc mắc của cổ đông về ESOP, ông Trương Gia Bình cho biết: "FPT có hai loại ESOP, một là thưởng cho cán bộ nhân viên có thành tích tốt trong năm, còn loại khác là dành cho cán bộ quy hoạch. FPT cần một đội ngũ cam kết gắn bó với công ty, do đó công ty hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo kế cận để đảm bảo sự trường tồn của FPT. Chúng tôi có kế hoạch bồi dưỡng họ trong thời gian tới nên mới xin cổ đông chính sách đó".

Hoàng Kiều