|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngược dòng thời cuộc, chủ nghĩa bảo hộ lương thực là thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt

16:49 | 09/06/2022
Chia sẻ
Từ Ấn Độ tới Brazil, Malaysia, Indonesia, chính phủ một số nước đã bắt đầu siết xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, gia cầm…Làn sóng bảo hộ lương thực này đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu muốn tăng cường mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mối lo mất an ninh lương thực ngày càng hiện hữu 

Thời gian gần đây, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc liên tục tổ chức các cuộc họp vì những nước được cho sẽ gánh vác nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho thế giới như Ấn Độ, Brazil...đều có những động thái hạn chế xuất khẩu giữa lúc lạm phát tăng cao và nguy cơ thiếu hụt lương thực do xung đột Ukraine, theo The Economist.  

Điển hình, Malaysia đã hạn chế xuất khẩu thịt gà để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và ổn định giá cả. Lệnh cấm được áp dụng đối với gia cầm sống, thịt ướp và đông lạnh, các bộ phận của gà và những sản phẩm làm từ gà. 

Giữa tháng 5, Ấn Độ cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và đến đầu tháng 6 tiếp tục đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu đường. Nước này là nhà sản xuất lúa mì và xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới.

Indonesia cũng đã thông báo ngừng xuất khẩu dầu cọ, rồi dỡ bỏ lệnh cấm trong tháng 5. 

Quốc gia

Loại hàng hóa

Thời gian áp dụng

Ấn Độ

Đường

Từ tháng 6/2022

Ấn Độ

Lúa mì

Từ tháng 5/2022

Malaysia

Thịt gà

Từ tháng 6/2022

Indonesia

Dầu cọ

Tháng 4-5/2022

 Số liệu của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) cho biết ít nhất 20 quốc gia đã áp đặt một số hạn chế liên quan đến xuất khẩu kể từ đầu cuộc xung đột. Tổng cộng, khối lượng bị ảnh hưởng tương đương với khoảng 10% lượng calo trên thị trường toàn cầu. 

Theo Bloomberg, các biện pháp bảo hộ, cùng với cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến giá nhiều mặt hàng ngày càng đắt đỏ hơn. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, chỉ riêng trong năm 2022, giá sữa tăng đã 14%, trong khi giá dầu cọ tăng 38%. Giá lúa mì giao kỳ hạn thậm chí đã tăng tới 56% và lượng dự trữ toàn cầu được cảnh báo chỉ đủ dùng trong 10 tuần. 

 Diễn biến giá lúa mì từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: ifcmarkets)

Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì nhiều thương nhân gạo cũng bắt đầu lo ngại nước này có thể sẽ hạn chế các lô hàng gạo khiến họ phải tăng cường mua và đặt các đơn hàng bất thường cho những chuyến giao hàng kỳ hạn dài.  

Theo Reuters, các thương nhân đã ký hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo cho các chuyến hàng từ tháng 6 đến tháng 9 và đang nhanh chóng mở thư tín dụng (LC) sau khi ký kết các thỏa thuận để đảm bảo số lượng hợp đồng sẽ được gửi ngay cả khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. 

Chia sẻ với Financial Times, bà Beata Javorcik, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ thổi bùng giá hàng hóa vốn đã ở mức kỷ lục, qua đó gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

“Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói trên thế giới. Và trong những trường hợp cực đoan nhất, nó có thể khiến các chế độ độc tài tăng cường áp bức người dân hơn nữa”, bà Javorcik lưu ý. 

Trên thực tế, chủ nghĩa bảo hộ lương thực không phải điều gì quá mới mẻ đối với thế giới. Trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, khi giá lương thực trên toàn thế giới tăng cao, bên cạnh sự leo thang của giá dầu và tình trạng hạn hán nghiêm trọng, một số nước áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu lên nhiều loại cây trồng và tình trạng đầu cơ tích trữ của nhiều nhà đầu tư đã xảy ra.

Hệ quả là giá lương thực toàn cầu đã tăng đột biến, trong đó giá gạo tăng 300% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008. 

Và năm nay, hạn hán tại Ấn Độ, châu Âu, mất mùa tại Trung Quốc, xung đột kéo dài tại Ukraine cùng với chủ nghĩa bảo hộ phát triển có thể sẽ tiếp tục làm đứt đoạn nguồn cung lương thực, dẫn đến nguy cơ khiến kịch bản năm 2008 quay trở lại.

   Công nhân nông trại thu hoạch lúa mì tại một ngôi làng ở ngoại ô Ajmer, bang Rajasthan (Ấn Độ). (Ảnh: PTI) 

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt tận dụng tốt cơ hội thị trường 

Trong bối cảnh một số nước đang “thủ thế” để giữ ổn định an ninh lương thực thì các doanh nghiệp Việt Nam lại đang nỗ lực xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng khắp thế giới. 

Số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục đạt 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu đều đạt 1 tỷ USD.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021.  

Theo VASEP, nhu cầu tại các thị trường hồi phục sau giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh COVID-19, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng. Xung đột Nga và Ukraine góp phần làm xáo trộn nguồn cung thủy sản.

 (Nguồn:VASEP. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã có hoạt động sản xuất, tận dụng tốt cơ hội từ thị trường. 

Đơn cử như CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, Mã: FMC), kết quả kinh doanh vừa công bố của Sao Ta cho thấy, 5 tháng đầu năm doanh số đạt gần 100 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.    

Tạp chí Kinh tế chứng khoán dẫn chia sẻ của ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Sao Ta, cho biết những tháng qua hoạt động chế biến xuất khẩu và nuôi tôm diễn ra thuận lợi với nhiều tín hiệu tốt, khả năng quý II sẽ vượt mức lợi nhuận ít nhất 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Tập đoàn Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cũng ghi nhận kết quả tích cực với tổng doanh thu 4 tháng đầu năm đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ 2021, động lực chủ yếu đến từ thị trường Mỹ.

Hay với CTCP Nam Việt (Mã: ANV) lợi nhuận riêng tháng 4 đã gấp gần 5 lần mức thấp 23,7 tỷ đồng trong cả quý II/2021. Lũy kế 4 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 45% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bên cạnh thủy sản, lúa gạo cũng là mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong thời gian gần đây.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, nếu như bình quân 4 tháng đầu năm mỗi tháng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo thì trong tháng 5, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 800.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với mức bình quân của 4 tháng đầu năm, với giá trị đạt 386 triệu USD.

Theo các doanh nghiệp, Việt Nam hiện đứng thứ ba về xuất khẩu gạo, khi một số quốc gia chủ động bảo đảm an ninh lương thực bằng việc cấm, hạn chế xuất khẩu, đẩy giá lương thực tăng lên thì cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu.

Chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Công ty TNHH VRice cho hay tình hình xuất khẩu đang có những diễn biến khả quan hơn các tháng 4, tháng 5 vừa qua khi giá xuất khẩu tăng 10-20 USD/tấn, bù đắp chi phí xăng dầu và các chi phí khác sinh như phí hạ tầng cảng biển…

Cập nhật số liệu từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho thấy những ngày đầu tháng 6/2022, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. 

Cụ thể, ngày 7/6, gạo 5% tấm Việt Nam đã tăng trở lại mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giá chào bán 403 USD/tấn, gạo 100% tấm giá bán 378 USD/tấn.

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, cho biết cuộc xung đột Nga – Ukraine làm cho việc cung cấp lương thực ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt khó khăn và tình hình lương thực thế giới đang biến động lớn.  

Riêng tại Philippines, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, Chính phủ nước này đang lo ngại nguồn cung gạo bị ảnh hưởng nên triển khai cấp sớm quota để các thương nhân mua gạo lại trước kỳ hạn hàng năm.

“Cánh cửa nhập khẩu gạo ở Philippines vẫn đang rộng mở và các thương nhân Philippines đang tích cực mua vào. Qua đó cho thấy tín hiệu thị trường gạo trong quý II/2022 đang rất tốt. Dự báo trong quý II các thị trường nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng nhu cầu nhập khẩu kéo giá gạo tăng theo nhất là khu vực châu Phi”, ông Nam cho hay. 

Ở góc độ chuyên gia, GS-TS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng Việt Nam là một nước nông nghiệp nên cần nhìn nhận vấn đề như là một cơ hội mang tính chiến lược.

"Khi đã có nguồn hàng hóa dồi dào, ổn định và chất lượng mà thế giới cần thì ở góc độ doanh nghiệp và cả Chính phủ chúng ta có thể dễ dàng thỏa thuận hợp tác cung cấp dài hạn sản phẩm cho họ.

Nhiều nước dân số đông, bị áp lực về an ninh lương thực rất lớn, ở cấp Chính phủ chúng ta có thể ký các hợp đồng khung với họ, vừa thể hiện vai trò quan trọng của “bếp ăn” nhưng cũng đồng thời tạo ra một “quyền lực mềm” để tái đầu tư cho sản xuất trong nước”, ông Võ Tòng Xuân chia sẻ với báo Thanh Niên.

Như Huỳnh