|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lương đủ sống - một cách tiếp cận khác về tiền lương

15:35 | 28/07/2019
Chia sẻ
Thay vì hoạch định chính sách tiền lương bằng chế độ lương tối thiểu, gần đây nhiều chuyên gia lao động đưa ra đề xuất tiếp cận bằng một khái niệm khác là “lương đủ sống”. Liệu đây có phải là chìa khoá để đảm bảo cuộc sống cho người lao động và cho cả sự phát triển bền vững của doanh nghiệp?

TBKTSG đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, về vấn đề này.

Lương đủ sống - một cách tiếp cận khác về tiền lương - Ảnh 1.

Lương tối thiểu là mức lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cơ bản cho người lao động và gia đình họ. Ảnh: minh họa Thành Hoa.

TBKTSG: Theo bà thì khái niệm “lương đủ sống” nên được hiểu như thế nào?

Bà Đỗ Quỳnh Chi: Lương đủ sống được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) quy định là khoản lương người lao động nhận được trong một tuần làm việc tiêu chuẩn (tối đa không quá 48 giờ) và đủ để trang trải các mức sống cơ bản cho họ và gia đình.

TBKTSG:Theo định nghĩa này, cách tính lương tối thiểu hiện nay của Việt Nam có được xem là đủ sống không?

Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rõ thế nào là mức sống tối thiểu. Ủy ban Chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế phân biệt hai loại “mức sống tối thiểu”: một là mức sống tối thiểu để tồn tại, hai là mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống. 

Các nước phát triển đều áp dụng cách tính lương dựa trên loại thứ hai. Cấu phần của lương đủ sống cũng được tính dựa trên mức sống này. Mức lương ấy không chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu về lương thực thực phẩm, nơi ở, mà còn phải tính đến các nhu cầu khác như: giáo dục, y tế, giải trí, tích lũy...

Theo quy định của Luật Lao động Việt Nam, lương tối thiểu là mức lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cơ bản cho người lao động và gia đình họ. Có thể thấy, khái niệm tiền lương tối thiểu của Việt Nam lâu nay vốn đã kết nối được với khái niệm lương đủ sống của ILO.

Tuy nhiên, đánh giá thế nào là mức lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu lại là một bất cập trong chính sách tiền lương ở Việt Nam. Cách tính hiện nay dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê về mức sống dân cư, từ đó, cơ quan chuyên môn tính xem nhóm tham chiếu có mức sống như thế nào. 

Người lao động có thể chen chúc nhau trong phòng trọ hơn 10 mét vuông, ăn những bữa cơm thiếu dinh dưỡng, chấp nhận để con ở quê, như vậy có nên tính là đủ sống không? Nếu chúng ta chỉ dựa vào thực tế chi tiêu của họ rồi từ đó đưa ra ngưỡng đủ sống, vô hình trung, chúng ta đang nhân rộng sự đói nghèo.

TBKTSG: Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, nếu yêu cầu đẩy mức lương tối thiểu lên mức đủ sống như cách hiểu của quốc tế thì sẽ tạo nhiều áp lực cho nền kinh tế. Liệu áp dụng cách tính này có khả thi?

Lương đủ sống - một cách tiếp cận khác về tiền lương - Ảnh 2.

Bà Đỗ Quỳnh Chi.

Đúng là ở thời điểm hiện tại Việt Nam không thể áp dụng lương đủ sống theo chuẩn quốc tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua cách tiếp cận lương này.

Chúng ta nên phổ biến cách tính này đến các khu vực, cụm ngành, doanh nghiệp và cả người lao động. Tôi nghĩ là đã đến lúc các bên liên quan cần biết có một cách tiếp cận tiền lương khác để tham khảo, từ đó có thể cân nhắc và thương lượng, chứ không nên dựa hoàn toàn vào lương tối thiểu như lâu nay.

Doanh nghiệp và người lao động sẽ so sánh được xem mức lương thực trả/nhận hiện tại chênh lệch bao nhiêu với mức lương đủ sống, từ đó có sự điều chỉnh. Nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng cách tính lương này. Để phù hợp với xu thế của thế giới, cũng như đảm bảo cuộc sống của người lao động, chúng ta buộc phải thay đổi dần theo.

TBKTSG: Như vậy, áp lực cho các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi?

Áp lực lớn nhất về lương đè lên các doanh nghiệp gia công ở Việt Nam hiện nay không phải đến từ Chính phủ hay người lao động, mà chính là các nhãn hàng. Nhà máy không thể trả lương cao cho công nhân khi nhãn hàng trả cho họ một chi phí quá thấp. 

Và đó không phải là cách mà một nền kinh tế phát triển vận hành. Chúng ta không thể mãi cạnh tranh với các thị trường khác bằng lợi thế nhân giá rẻ.

Trung Quốc đã thay đổi chiến lược phát triển của họ. Lương tối thiểu của quốc gia này tăng cao nhất trong khu vực, họ không còn là một công xưởng giá rẻ của thế giới. Các nhãn hàng, vì vậy, chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Các đơn hàng chạy về phía Trung Quốc giờ đây đòi hỏi lao động có trình độ kỹ thuật cao, đi kèm theo đó là mức phí trả cho doanh nghiệp gia công cũng tăng lên, người lao động cũng nhận được mức lương tương xứng.

Tôi cũng không đồng ý với việc, doanh nghiệp trong nước kêu rằng lương tăng nhanh hơn năng suất lao động. Năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào cách quản lý, hệ thống máy móc, công nghệ, chứ không phải chỉ là đòi hỏi công nhân khéo léo, nhanh cái tay.

Nếu doanh nghiệp chỉ nhận gia công các khâu đơn giản, bằng dây chuyền máy móc lạc hậu, và nhận lại tiền công thấp thì họ sẽ mãi bị kẹp giữa người lao động và các nhãn hàng, không phát triển được.

TBKTSG: Nhưng để công bằng, với cách tính lương đủ sống thì người lao động cũng phải thay đổi theo. Bà có đồng ý như vậy không?

Thị trường quốc tế có nhiều nhãn hàng. Trong một nhãn hàng sẽ có nhiều khâu. Có những nhãn hàng và nhiều khâu yêu cầu cao, đòi hỏi kỹ năng của người lao động. Ngược lại, có những khâu yêu cầu thấp, sản xuất ở quốc gia nào cũng được, miễn nhân công rẻ. 

Để áp dụng được mức lương đủ sống, không chỉ doanh nghiệp thay đổi mà còn cả công nhân. Họ phải được nâng cao tay nghề để làm ra những sản phẩm “khó” từ các thương hiệu quốc tế.

Trong ngành gỗ, tôi nhận thấy bắt đầu có sự chuyển biến này. Công nhân không chỉ biết đứng một chỗ chà nhám mà họ còn phải biết cả đứng máy, và nhiều khâu khác. Ai không có khả năng thích ứng sẽ bị đào thải. 

Nhưng làm thế nào để có đội ngũ lao động tay nghề cao? Đó là thách thức cho ngành giáo dục, cho công tác đào tạo, dạy nghề. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết được thì không thể đưa lao động thoát khỏi vòng đói nghèo.

Thanh Uyên

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.