Lừng khừng chuyển giao về SCIC
Chậm chuyển giao doanh nghiệp nhà nước về Tổng công ty Quản lý và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho thấy những mâu thuẫn về lợi ích và tình trạng này cũng cho thấy vì sao tái cơ cấu nền kinh tế chậm.
Để cây gậy có sức mạnh
Tới thời điểm hiện tại, SCIC mới chỉ tiếp nhận 25 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước hơn 862 tỉ đồng, nghĩa là về lượng chưa được 1/2 và về chất chưa bằng 1/10 mục tiêu đề ra. Dự định trừng phạt, đến mức buộc thôi việc lãnh đạo không lèo lái doanh nghiệp đi theo con đường trả nền kinh tế về cho thị trường đã được vạch rõ cũng khó mà phát huy tác hiệu. Theo đó, muốn đẩy nhanh tốc độ doanh nghiệp nhà nước về SCIC, phải chặt đứt những quyền lợi hữu hình hay vô hình mà các vị quản lý nhận được từ sự tồn tại của số doanh nghiệp trên. Đây có là nhiệm vụ bất khả thi?
Thứ nhất, tăng cường sức mạnh giám sát của hệ thống các đơn vị đang thực hiện chức năng giám sát, thanh tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ cấp địa phương, bộ ngành tới cấp trung ương. Khi bức tranh lỗ lãi trong kinh doanh được phơi bày, khi thực trạng nguồn lực đổ vào cho khối doanh nghiệp có mức đóng góp vào GDP khiêm tốn hơn khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi đang chiếm dụng nguồn lực lớn hơn nhiều được làm rõ, không ai còn có thể nhắm mắt ngó lơ bài toán thiệt hơn.
Đặc biệt, minh bạch về số liệu sẽ chặn đứng cơ hội tư túi, bòn rút từ tài sản chung, cám dỗ khiến ít ai muốn từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, muốn động thái này mang lại kết quả, phải tăng tính độc lập và chịu trách nhiệm của các cơ quan giám sát cấp bộ, ngành, địa phương, tránh việc họ sẽ bị níu kéo, cản trở bởi lợi ích cục bộ.
Thứ 2, phải chấm dứt thói quen ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước theo kiểu “người nhà thương nhau”. Cũng chẳng còn lựa chọn nào khác bởi nếu vẫn còn mảnh đất tư lợi, vẫn còn sức ì kéo chậm quá trình cổ phần hóa. Nói như Phó giáo sư-Tiến sĩ Lê Cao Đoàn khi trao đổi với NCĐT về vấn đề này, nếu chỉ có quyết tâm thì chưa đủ. Quan trọng hơn, không thể điều hành, cải cách nền kinh tế bằng cách quyết tâm.
Nợ công và lo xa
Trong nỗi băn khoăn chưa dứt về tiến độ không mấy khả quan của việc cổ phần hóa, gánh nặng nợ công đang được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài năm 2018-2020, tầm nhìn 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nợ công năm 2018 có thể tăng gần 4 triệu đồng/người so với năm 2017, tương ứng, mỗi người Việt có thể gánh 35 triệu đồng nợ nần. Hai năm tiếp theo, gánh nợ của gần 100 triệu người Việt sẽ lần lượt là 3,9 triệu tỉ đồng và gần 4,3 triệu tỉ đồng. Đóng góp không nhỏ trong số nợ này là phần đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước mà không ít trong số đó rơi vào cảnh “một đi không trở lại” như các vụ việc của Vinashin, Vinalines…
Những hệ lụy không chỉ dừng lại ở đó. Chẳng hạn, chưa có nguồn trả nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn gửi đề nghị lên Bộ Công Thương để kiến nghị Thủ tướng ưu đãi cho hai doanh nghiệp này, trong đó có đề xuất các ngân hàng do Nhà nước chiếm cổ phần chi phối tiếp tục cho hai doanh nghiệp này vay thêm. Không quá khắt khe khi dư luận nhận định, nếu tiếp tục rót vốn, tiền vẫn như nước lọt qua kẽ tay và… mất tích.
Một nguy cơ khác là các doanh nghiệp tìm cách chạy cơ chế để có được những khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc, đối tác sẵn sàng mở hầu bao để mở đường xuất khẩu công nghệ lạc hậu hay có thể cả rác thải công nghệ nguy hại. Khi đó, không chỉ là gánh nặng nợ nần buộc phải trả mà còn là môi trường độc hại, ô nhiễm.