|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trả gần 17.000 tỷ đồng cho Bộ Tài chính, SCIC vẫn có 19.833 tỷ tiền gửi ngân hàng

09:31 | 22/08/2018
Chia sẻ
Tính đến thời điểm 30/6, tổng tài sản của SCIC đạt 41.749 tỷ đồng, giảm 19.327 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương đương giảm 32%) nguyên nhân do chuyển quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp gần 17.000 tỷ đồng cho Bộ Tài chính. 

6 tháng đầu năm, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đạt doanh thu 2.289 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Với chi phí hoạt động kinh doanh chỉ hơn 80 tỷ đồng (hầu hết là giá gốc các khoản đầu tư), biên lãi gộp của SCIC đạt tới 96,5%.

Mặc dù vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp nửa đầu năm 2018 lại tăng gần 30% so với cùng giai đoạn 2017, tăng mạnh ở khoản mục chi phí khác. Kết quả SCIC lãi sau thuế 1.942 tỷ đồng, giảm 19%; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 187 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu cho thấy, có đến 1.152 tỷ đồng đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia (giảm 38% so với cùng kỳ), chiếm hơn 50%; hơn 401 tỷ đồng doanh thu từ bán các khoản đầu tư và hơn 731 tỷ đồng là doanh thu lãi tiền gửi và lãi đầu tư trái phiếu tín phiếu. Doanh thu từ cổ tức sụt giảm có thể lý giải là do thời điểm cuối năm ngoái đến nay, SCIC đã thoái vốn tại nhiều khoản đầu tư lớn như Vinamilk, Sabeco hay Nhựa Bình Minh…

scic co 19833 ty dong tien gui ngan hang

Tính đến thời điểm 30/6, tổng tài sản của SCIC đạt 41.749 tỷ đồng, giảm 19.327 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương đương giảm 32%) do giảm đầu tư tài chính ngắn hạn và phải thu.

Đáng chú ý, SCIC hiện có 19.833 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 943 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giá trị 16.954 tỷ đồng (gồm tiền gửi, cổ phiếu niêm yết và trái phiếu) không còn do đã bàn giao lại cho Bô Tài chính quản lý.

Tổng giá trị các khoản đầu tư dài hạn cuối kỳ là 13.522 tỷ đồng, bao gồm 6.320 tỷ đồng vốn góp tại các công ty cổ phần đã niêm yết, 1.152 tỷ đồng vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết và 6.050 tỷ đồng trái phiếu.

Cũng chính do việc bàn giao lại quỹ hỗ trợ sắp xếp lại cho Bộ Tài chính nói trên, nợ phải trả cuối kỳ của SCIC giảm mạnh còn 1.462 tỷ đồng, trên tổng vốn chủ 40.287 tỷ đồng. Khoản mục quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty tăng lên 18.025 tỷ đồng.

Vào tháng 3, SCIC đã bán đấu giá thành công hơn 24 triệu cổ phiếu CTCP Nhựa Bình Minh với giá 96.500 đồng/cp, thu về 2.330 tỷ đồng, chênh lệch giá vốn 2.182 tỷ đồng. Kết quả bán cổ phần thực hiện gần đây ghi nhận hiệu quả thoái vốn của SCIC bình quân đạt 3,5 lần so với giá gốc, cao hơn kết quả bán vốn trên toàn quốc (1,48 lần).

Năm 2018, SCIC đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 7.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5.400 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm, SCIC sẽ tích cực đẩy mạnh hiệu quả bán vốn doanh nghiệp, trọng tâm là một số công ty lớn như Vinaconex, Vocarimex, Domesco, Vina Control…

SCIC hiện sở hữu vốn tại 136 doanh nghiệp, gồm 129 công ty cổ phần. Với những doanh nghiệp có kế hoạch bán vốn thì đã ký hợp đồng tư vấn thoái vốn và chuẩn bị công tác cần thiết để triển khai.

Mặt khác, SCIC cũng tích cực triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc diện kiểm soát, xử lý các tài sản tài chính… Danh sách công ty SCIC sở hữu vốn có 20 đơn vị bị giám sát đặc biệt. Trong quá trình tái cơ cấu, số lượng này đã giảm 3 hoặc 4 doanh nghiệp so với đầu năm.

Đối với các công ty TNHH MTV, theo kế hoạch đến năm 2020, có 5 doanh nghiệp phải cổ phần hóa hiện nay đã cơ bản tiến hành các thủ tục định giá tài sản. Còn 1 đến 2 doanh nghiệp vẫn đang vướng mắc tại một số điểm như liên quan đến tài sản đất do có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo SCIC khẳng định về cơ bản tiến trình vẫn theo kế hoạch.

Xem thêm

Bạch Mộc