|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lùm xùm về văn bản đến Hãng phim truyện Việt Nam... chậm

07:35 | 15/11/2018
Chia sẻ
Chiều 14-11, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã tổ chức cuộc họp để giải thích về công văn số 4974 mà Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) nhận được vào ngày 12-11.

Vào ngày 19-9-2018, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về quá trình cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và cổ đông chiến lược của VFS là VIVASO (Tổng công ty Vận tải thủy) sẽ buộc phải thoái vốn khỏi hãng phim này.

Từ đó đến nay, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đang thực hiện theo các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ngày 12-11 vừa qua, bộ gửi tới VFS công văn 4974/BVHTTDL-KHTC về việc thực hiện kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa VFS.

lum xum ve van ban den hang phim truyen viet nam cham
Đến chiều 14-11, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức họp báo để giải thích về công văn 4974 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Công văn này yêu cầu lãnh đạo của Hãng phim truyện Việt Nam các thời kỳ, cũng như người đại diện phần vốn nhà nước tại VFS thực hiện rà soát lại một khối lượng công việc bao gồm:

Kiểm tra lại các khoản công nợ, vấn đề thuế, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, các vướng mắc về đất đai, xác định lại giá trị doanh nghiệp, kiện toàn bộ máy, kế hoạch phát triển của hãng trong tương lai…

Công văn yêu cầu các thành phần nêu trên phải báo cáo giải trình tất cả các đầu việc vào hạn chót là ngày 15-11-2018.

Nhưng các nghệ sĩ lại hiểu tinh thần của công văn là hãng phải thực hiện các đầu việc nêu trên chỉ trong ba ngày. Do đó, ngay sau khi nhận được công văn này, các nghệ sĩ của VFS đã rất bức xúc, ngay lập tức tổ chức gặp gỡ các cơ quan truyền thông vào sáng 14-11.

Đến chiều 14-11, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã tổ chức một cuộc họp, giải thích cho báo chí về tinh thần công văn 4974/BVHTTDL-KHTC.

Chánh văn phòng bộ - ông Nguyễn Thái Bình - giải thích công văn nêu trên chỉ là một đầu việc bộ cần phải làm, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Công văn này chỉ yêu cầu lãnh đạo các thời kỳ của VFS, người đại diện phần vốn nhà nước tại VFS giải trình bằng văn bản, chứ không yêu cầu thực hiện các nội dung trong văn bản như các nghệ sĩ nghĩ.

Trong công văn có mục 4.2: Yêu cầu nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm nội dung về mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, giải pháp sử dụng nguồn nhân lực... để Hội đồng quản trị, Ban giám đốc xem xét, phê duyệt bổ sung vào Kế hoạch hoạt động của Công ty trong thời gian tới.

Mục này đã khiến các nghệ sĩ VFS thắc mắc vì họ cho rằng VIVASO đang phải thoái vốn khỏi VFS, không có tư cách để tham gia vào việc lập kế hoạch phát triển hãng.

Ông Trần Hoàng - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - đã giải thích về mục 4.2 như sau: "Chúng tôi bám sát theo kết luận thanh tra. Đây chỉ là yêu cầu họ bổ sung cho phương án cổ phần hóa đã được xây dựng trước đây, để hoàn thiện lại, để nếu như có nhà đầu tư mới vào thì người ta phải thực hiện theo... Còn quyền quyết định vẫn thuộc về ban giám đốc của VFS".

Một vấn đề khiến các nghệ sĩ bất bình nữa là thời điểm thảo công văn và thời điểm gửi công văn.

Công văn của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch được soạn từ ngày 29-10-2018, tuy nhiên đến ngày 12-11-2018 mới đến được VFS. Hạn chót 15-11-2018 (trong vòng 3 ngày tính từ khi nhận được công văn), VFS phải hoàn thiện báo cáo giải trình. Các nghệ sĩ cho rằng đây là khoảng thời gian quá ngắn cho những người phải thực hiện các nội dung công văn nêu.

Trong ngày 14-11, bộ đã ra một văn bản cho phép VFS kéo dài thời hạn nộp báo cáo giải trình tới ngày 15-12-2018.

Cuối buổi họp báo, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định bộ sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, đảm bảo VIVASO sẽ thoái vốn khỏi VFS.

Đầu năm nay, cán bộ ở VFS đề xuất mua sắm thêm máy móc để phục vụ dự án Người yêu ơi, tuy nhiên sau đó VFS bị thanh tra, và kết quả là VIVASO sẽ phải thoái vốn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Mới đây, đại diện của VIVASO tại VFS lại chấp nhận bỏ tiền mua sắm máy móc theo đề xuất từ đầu năm.

Ông Vũ Đức Tùng, phó giám đốc VFS (mới bị miễn nhiệm hôm 13-11, hiện chỉ còn giữ vai trò đại diện vốn nhà nước tại VFS), cho biết số thiết bị mới được sắm là "của rẻ của ôi", không thể dùng được.

Nghệ sĩ tại VFS đa phần đều thắc mắc, không hiểu vì sao VIVASO đang thoái vốn mà vẫn đồng ý mua máy móc về cho hãng.

Xem thêm

Ngọc Diệp

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.