|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Luật sư: 'Kinh doanh 3-4 chiếc iPhone 12 xách tay có thể bị khởi tố hình sự'

15:19 | 13/11/2020
Chia sẻ
Hàng hóa xách tay không có hóa đơn chứng từ được coi là hàng lậu, khi mua về sử dụng có thể gặp các vấn đề về bảo hành, kích hoạt sử dụng một cách chính thống tại Việt Nam và khi có vấn đề xảy ra rất khó để đòi lại quyền lợi.
Kinh doanh hàng xách tay không hóa đơn chứng từ sẽ xử phạt ra sao? - Ảnh 1.

iPhone xách tay. (Ảnh: Hanoma.vn)

Với mức giá thường rẻ hơn đồ chính hãng, các món hàng xách tay hiện được giao dịch, mua bán nhiều trên cả kênh online lẫn offline.

Đơn cử như dòng iPhone 12 mới ra gần đây, dù các cửa hàng phân phối chính thức như FPT Shop, Thế Giới Di Động, CellPhoneS đều chưa có hàng chính hãng VN/A cho tới tháng 12, tuy nhiên hoạt động trao đổi mua bán iPhone 12 xách tay diễn ra nhộn nhịp trên các trang mạng xã hội.

Nghị định 98/2020 qui định từ 15/10/2020, việc bán hàng xách tay có thể bị xử phạt lên đến 200 triệu đồng.

Chia sẻ trên kênh YouTube, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX, cho rằng nghị định mới không khác quá nhiều so với mức xử phạt từ Nghị định 185 năm 2013. "Nghị định 98/2020 chỉ nhấn mạnh lại qui định trong Nghị định 185/2013", Luật sư Nghĩa cho hay.

Nguồn gốc của hàng xách tay thường là nhờ người thân bạn bè đi du lịch mua hộ mặt hàng, dạng biếu. Chính vì mục đích biếu tặng, nên sẽ không bị đánh thuế.

"Các hàng hóa này vì mục đích tặng, biếu nên không bị đánh thuế, một số mặt hàng thậm chí không giới hạn số lượng xách tay nên dần dần mục đích đi du lịch chuyển thành mua hàng bán tại Việt Nam", ông Nghĩa nói.

Việc không đánh thuế dẫn đến giá bán sẽ tốt hơn, nhà nước sẽ thất thu thuế xuất/nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính vì thế, người bán hàng có thể hưởng lợi từ việc kinh doanh hàng xách tay.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, người mua chưa chắc đã hưởng lợi. Dù có thể mua được hàng về giá rẻ, nhưng sẽ chịu thiệt về các chính sách bảo hành và việc kích hoạt sử dụng (với sản phẩm smartphone).

"Ở góc độ khác, xách tay hàng điện thoại từ Mỹ không khác gì vác những bao thuốc lá đi từ Lào, Campuchia về Việt Nam. Đây đều được coi là hàng hóa buôn lậu theo qui định trong Nghị định 98/2020", vị luật sư nói thêm.

Ông Nghĩa cho rằng việc hàng hóa xách tay tồn tại trên thị trường vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trước các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hiện tại, mức xử phạt hành chính cao nhất đối với cá nhân kinh doanh hàng xách tay là 100 triệu đồng. Trong khi đó khung xử phạt tối đa với doanh nghiệp kinh doanh là 200 triệu đồng. 

Trong khi đó, với trường hợp cá nhân/tổ chức buôn hàng xách tay có giá trị trên 100 triệu đồng thậm chí có thể bị xử phạt hình sự. Khung nhẹ nhất là phạt tiền từ 50-300 triệu đồng; trong khi khung xử phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Ông lấy ví dụ về iPhone 12 hiện chưa có hàng chính hãng tại Việt Nam. Một chiếc iPhone 12 có giá 25-30 triệu đồng, đồng nghĩa với việc chỉ cần kinh doanh 4-5 chiếc iPhone 12 xách tay có thể bị xử lí hình sự.

Đối với cá nhân bán hàng xách tay không thường xuyên, không nhằm mục đích kinh doanh lâu dài, ông Nghĩa chia sẻ gần như họ sẽ không sao cả bởi mục đích pháp luật cố gắng quản lí những đơn vị kinh doanh lấy nghề xách tay làm kế sinh nhai.

Ngày 15/10, Nghị định 98/2020 qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, đã chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định thắt chặt các hàng hóa xách tay không có hóa đơn, chứng từ, tem nhãn mác, đang kinh doanh trên thị trường.

Tường Vy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.