|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Luật Quản lý Ngoại thương đang 'quản chồng lên quản'

14:36 | 07/11/2016
Chia sẻ
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Luật Quản lý Ngoại thương đã ôm đồm nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả, dẫn đến nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.
luat quan ly ngoai thuong dang quan chong len quan
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Báo đầu tư

Đó là nội dung trong góp ý về Luật Ngoại thương trước Quốc hội ngày 7/11 của chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Viêt Nam (VCCI), Vũ Tiến Lộc.

Ông cho rằng, phạm vi của Luật này đang ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả.

Thứ nhất, có nhiều quản lý liên quan đến ngoại thương đã được quy định ổn định trong các văn bản khác nhưng lại được thiết kế vào luật này. Ông lấy dẫn chứng, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, cửa khẩu xuất khẩu-nhập khẩu… lâu nay vẫn thuộc pham vi điều chỉnh Pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả, giờ lại quy định vào Luật này.

Khi đó, theo Luật mới sẽ phát sinh thêm giấy phép. Do vậy cũng không minh bạch, vị đại biểu nhận xét."Như vậy, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh, vừa giăng thêm lưới quản lý, các Bộ khác quản rồi, giờ thêm Bộ Công Thương lại quản nữa. “Quản chồng lên quản”, ông Lộc nói.

Thứ hai, nhiều hoạt động chưa quy định ở đâu nhưng lâu nay các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không gặp vướng mắc khó khăn gì. Theo vị chủ tịch VCCI, không cần thiết phải đưa vào Luật.

Ví dụ, quy định về đại lý mua bán hàng hóa quốc tế, ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu nhập khẩu, gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài mà lâu nay vẫn thực hiện theo Luật Thương mại và không có vấn đề gì phát sinh. Ngoài ra, các hàng hóa đặc thù cũng vậy, đã có pháp luật hiện hành quy định như gia công thuốc, gia công nông hóa phẩm...

Thứ ba, luật có khả năng xe lé thành nhiều cơ chế với khi tại Luật ngoại thương có riêng quy chế về giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ. Như vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp đang cát cứ tại 1 dự luật trong khi, đáng ra tất cả quy định phải chung cho tất cả các tranh chấp thương mại từ thuế nội địa, phân biệt đối xử thương mại, biện pháp đầu tư, sở hữu trí tuệ... "Không thể mỗi lĩnh vực lại phải quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng, nếu theo Luật này", ông Lộc lên tiếng.

Lấy ví dụ về việc kiểm tra chuyên ngành đang rất nan giải khi có tới 12 Bộ tham gia công tác này, chiếm tới 70% thời gian thông quan, ông Lộc cho rằng Luật vẫn đang quy định chung chung và trao quyền ưu tiên quy định cho pháp luật chuyên ngành và cho các Bộ chuyên ngành.

Luật chưa thống nhất được các biện pháp quản lý ngoại thương còn được quy định bởi nhiều văn bản, nhiều cơ quan. Theo đó, cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thống nhất, không minh bạch, gây cản trở cho doanh nghiệp, vị chủ tịch VCCI nhận xét.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng Luật đang 'đùn' việc cho Chính phủ. "Danh mục các biện pháp cấm xuất khẩu nhập khẩu kiểu gì cũng phải tuân thủ cam kết WTO và một số hiệp định khác. Vậy tại sao chúng ta lại không quy định luôn trong Luật mà phải chuyển cho Chính phủ?", ông Lộc chất vấn.

Dự thảo quy định trao quyền cho Bộ Công Thương trong việc, quyết định tạm ngừng các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, điều hành đối với từng loại hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan. Bộ cũng sẽ quyết định công bố hàng hóa và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng…

Theo ông Lộc, Luật đang trao quyền cho Bộ Công Thương mà không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào. Như vậy, rất có thể dẫn tới sự lạm quyền.

Ngoài ra, Dự thảo lại đẻ ra nhiều loại giấy phép mới mà không kèm theo bất kỳ quy định nào về điều kiện, căn cứ cấp phép.

Với những quy định như vậy, vô hình chung đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ, ông Lộc nhận xét.

Ngoài ra ông góp ý, Luật có thể bỏ chữ Quản lý, mang tên đơn giản là Luật Ngoại thương như tên gọi phổ biến của các luật chuyên ngành khác do Quốc hội ban hành. Bởi ngoài quản lý, còn đề cập tới các biện pháp khuyến khích thúc đẩy Ngoại thương và phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân trong lĩnh vực ngoại thương.

Thái Hoàng