Luật Nhà ở: Cần chính sách lớn để ưu đãi cho người mua nhà lần đầu
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 29/8, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Hai loại ý kiến khác nhau
Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung cho ý kiến tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
Do đó, các đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Quy định theo hướng này sẽ không phải bổ sung nội dung trong Luật Nhà ở, không gây xung đột với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…
Một số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho rằng việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phân tích một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là nhà ở. Chiến lược Phát triển Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa hoàn thành. Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, môi trường sống… Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo tâm lý an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh công nhân lao động thiếu thốn về nhà ở, Nhà nước chưa lo hết được, nhiều doanh nghiệp lại chưa thực sự mặn mà với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì không nên bỏ qua một chủ thể là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nếu để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở xã hội sẽ mở ra cơ chế đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực cùng tham gia phát triển nhà ở xã hội cho người lao động; đồng thời tạo cơ chế để công đoàn chăm lo, vun đắp cho đoàn viên, thực hiện tốt hơn sứ mệnh là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, nếu Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư thì giá cho thuê có thể rẻ hơn vì không có mục tiêu lợi nhuận.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) không đồng tình giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Bởi lẽ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, nhà ở xã hội cho công nhân sẽ được đầu tư để cho thuê, thuê mua và bán. Nếu giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư sẽ phải thông qua doanh nghiệp trực thuộc. Nếu vậy, nên giao Ủy ban Nhân dân tỉnh, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện.
Nhấn mạnh dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân có số lượng lớn, trong khi nguồn lực theo đề xuất lấy từ nguồn thu phí công đoàn nên sẽ có hạn, đại biểu cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lo cho công nhân nhiều mặt khác, chứ không riêng chuyện nhà ở. Do đó, vấn đề này cần nghiên cứu lại.
Nhà để ở, không phải để đầu cơ sinh lời
Cho ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nhấn mạnh phát triển nhà ở và tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta. Dẫn số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ sở hữu nhà ở của các hộ gia đình Việt Nam là hơn 88%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, đại biểu nêu câu hỏi: Tại sao nhu cầu nhà ở tại các đô thị vẫn là vấn đề bức thiết đến như vậy?
Đại biểu đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai, từ đó cần có một chính sách lớn về nhà ở nhằm ưu đãi cho những người mua nhà lần đầu.
"Hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần, tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu. Miễn thuế thu nhập cho thuê nhà ở xã hội, cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội. Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng đến 2 đến 3 lần so với lúc mua," đại biểu đề xuất.
Đề cập đến những thách thức đối với thị trường nhà ở thời gian tới, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho biết đó là vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị và già hóa dân số.
Theo đại biểu, thống kê năm 2019, cả nước có khoảng 6,4 triệu người di cư (chiếm 7,3% dân số). Áp lực nhập cư đối với các đô thị là rất lớn. Cứ 1.000 người sống ở đô thị thì có khoảng 200 người nhập cư; người nhập cư chiếm 12,3% dân số đô thị. Khả năng này dẫn đến nhu cầu nhà ở tại các đô thị trong thời gian 10, 20 năm nữa vẫn tăng mạnh; ngược lại, nhu cầu nhà ở tại nông thôn lại giảm đi.
Thách thức thứ hai, theo đại biểu là vấn đề già hóa dân số. Theo dự báo, người trên 75 tuổi ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 5 triệu người vào năm 2035. Còn đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương các nước dân số già ở Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đại biểu cho rằng trong Chiến lược Phát triển Nhà ở Quốc gia cũng như Chương trình Phát triển Nhà ở cấp tỉnh, cần căn cứ về quy mô dân số, tỷ lệ dân di cư để phát triển cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội, từ đó xác định cụ thể sẽ xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp.