Luật nào bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả?
|
Phá sản vì tin đồn thất thiệt
Bà Lan một người bán bắp dạo ở quận Bình Thạnh, TPHCM vẫn còn nhớ thời điểm cách đây bốn năm khi có nhiều ngày vợ chồng bà phải ăn bắp thay cơm. Tin đồn bắp luộc bằng pin và hóa chất gây bệnh ung thư xuất hiện xuất hiện trên Facebook đã khiến các xe bắp ế ẩm trong thời gian dài.
“Chủ nhà trọ ở sát vách, tận mắt thấy nhà tôi đun nấu hàng ngày, vậy mà đọc tin trên mạng xong cũng còn nghi ngờ chúng tôi, huống chi là khách lạ. Lúc ấy không ít người phải bỏ nghề về quê, một số chuyển sang bán bắp xào, khoai luộc. Giờ thỉnh thoảng vẫn có khách hỏi tôi bắp có luộc bằng pin không”, bà Lan kể. Tại hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” do Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng tổ chức vào tuần qua, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Le Group, đã chia sẻ câu chuyện một hãng sữa gần như phá sản vào năm 2014 khi có thông tin sản phẩm của hãng là hàng Trung Quốc kém chất lượng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Một nhóm (group) 3.000 người đã hình thành trên Facebook với mục đích kêu gọi tẩy chay sản phẩm.
“Bất chấp nỗ lực, đến nay hãng này vẫn không thể khôi phục kinh doanh như trước năm 2014. Rất khó để đưa sản phẩm quay lại thị trường, hiện họ chỉ đang kinh doanh rất cầm chừng”, ông Vinh cho hay.
Suntory PepsiCo Việt Nam cũng đã phải gánh chịu thiệt hại lớn về doanh thu vào năm 2016 vì chuyện tin đồn. Thông tin kèm hình ảnh 15 học sinh chết vì uống Sting ở Tuyên Quang nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ trên Facebook. Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay sản phẩm và tiếp tục chia sẻ thông tin kia trong khi vẫn chưa biết sự thật làm cho tình hình càng xấu thêm. Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách tiêp thị của công ty này cho biết, dù sau đó, cơ quan báo chí vào cuộc đưa tin xác minh những hình ảnh trên là lấy từ một trang mạng ở Pakistan, Sở Y tế Tuyên Quang xác nhận không có vụ việc như thế xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng công ty không thể giải quyết ngay khủng hoảng.
“Nhiều người nói với tôi, dù họ biết Pepsi là một công ty uy tín, nhưng cứ nghe và thấy nhiều người chia sẻ trên Facebook thì họ không thể không tin. Vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở uy tín hay doanh thu của Pepsi cũng như các công ty trong chuỗi cung ứng bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng cả ngành hàng, đến thu nhập, việc làm của hàng nghìn người lao động”, bà Liên chia sẻ với TBKTSG.
Luật nào bảo vệ doanh nghiệp?
“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, điều này càng chính xác hơn với truyền thông mạng xã hội. Người kinh doanh phải làm gì khi trở thành nạn nhân của tin giả?
Phản ứng đầu tiên mà các doanh nghiệp thường làm là yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ nội dung sai sự thật nêu trên. Nhưng theo bà Liên, phải sau ít nhất hai ngày, có khi cả một tuần, các nhà cung cấp mới xác minh xong thông tin. Trong vụ tin đồn nước Sting gây chết người, phải mất 48 tiếng, Facebook mới gỡ bỏ thông tin xuống theo yêu cầu của công ty. Với khoảng thời gian như thế mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Còn với những người buôn bán nhỏ như bà Lan, tất cả chỉ trông chờ vào sự lãng quên của người tiêu dùng theo thời gian...
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Liên cho rằng, để đứng vững trước những tin đồn thất thiệt doanh nghiệp cần phải minh bạch thông tin, chủ động về mặt thông tin, có chiến lược ứng phó kịp thời. Song song đó Nhà nước cũng cần có hành lang pháp lý cho việc xử lý tin giả và thông tin gây thù ghét để bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện chưa giải thích rõ ràng thế nào là “thông tin trái với quy định pháp luật” liên quan đến những thông tin về sản phẩm, hoạt động kinh doanh hay nội hàm của hành vi vu khống, tội làm nhục người khác trong lĩnh vực pháp luật hình sự lẫn “thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân” trong lĩnh vực pháp luật dân sự. Đó là một trong những lý do khiến các nạn nhân của tin giả ít nhờ đến sự can thiệp của luật pháp như, khởi kiện dân sự, đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự. Chưa kể, làm thế nào để xác định nguồn gốc của tin giả cũng không phải là điều dễ dàng cho người dân, doanh nghiệp.
“Để bù đắp được những thiếu hụt của quy phạm pháp luật, nhiều quốc gia trên thế giới dựa vào sự giải thích từng trường hợp cụ thể của hệ thống tòa án thông qua các bản án có hiệu lực pháp luật hay còn gọi là án lệ”, ông Quang cho biết thêm.
Ông Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng thực tế hệ thống quy định pháp luật Việt Nam có tương đối đầy đủ các quy định để xử lý các vấn đề liên quan tới các thông tin xấu, độc hại và phát ngôn gây thù ghét, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng hiệu quả thực thi lại đang gặp khó khăn về nhiều mặt như công nghệ, địa lý...
“Làm thế nào để xác định đó là thông tin có nội dung độc, xấu để kịp thời buộc người đưa tin lên mạng xã hội phải gỡ bỏ? Sẽ có vô vàn quan điểm, luồng ý kiến trái chiều và cần nhiều thời gian để xác định. Vì vậy rất khó để xử lý những vụ việc như thế này”, ông Thiêm nói.
Cũng theo ông Thiêm, dù khung pháp lý hiện nay vẫn chưa có luật quy định cụ thể về những phát ngôn bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức nhưng có nên bổ sung thêm công cụ, quy định không thì cần phải cân nhắc kĩ.
“Hệ thống pháp luật Việt Nam vốn đang phát triển, có những giai đoạn thay đổi liên tục, các quy định chồng chéo với nhau. Vướng mắc chủ yếu hiện nay của chúng ta là ở khâu vận hành chưa hiệu quả thôi”, ông Thiêm chia sẻ ý kiến với TBKTSG.
Chia sẻ một số giải pháp cho vấn đề này, bà Lê Thị Thiên Hương ở Đại học Poitiers (Pháp) nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội. Không thể để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”. Ở quy mô giải pháp lớn hơn (vượt khỏi biên giới một quốc gia), năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Rõ ràng là ngoài các quy định pháp lý cụ thể và nghiêm khắc thì các biện pháp nhằm vào việc xử lý nhanh chóng thông báo vi phạm, xóa nội dung vi phạm cũng là điều rất cần thiết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Quang cho rằng những giải pháp khác cũng cần được lưu tâm trong khi chờ đợi hành lang pháp lý được hoàn thiện. Các thẩm phán không được phép từ chối giải quyết các vụ kiện dân sự ngay cả khi không có điều luật áp dụng theo (quy định trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự). Nếu không có quy định pháp luật rõ ràng thế nào là thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì tòa án vẫn phải thụ lý để giải quyết đơn kiện thông qua các nguồn luật khác.
“Chúng ta có thể dựa vào bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của châu Âu để giúp ích cho việc giải quyết những vụ kiện liên quan. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của châu Âu đã khá phát triển. Chúng ta không thể áp dụng hoàn toàn bộ quy tắc của châu Âu vào Việt Nam mà cần lưu ý xây dựng một bộ quy tắc phù hợp với điều kiện và môi trường pháp lý của Việt Nam. Đồng thời, bộ quy tắc cũng phải xây dựng làm sao để không vi phạm các quyền hiến định khác như tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do kinh doanh”, ông Quang nói. “Bắp luộc bằng pin”, “xoài cao su”, “chết thảm vì uống Sting”, “ăn yến sào là vô nhân đạo”... những thông tin như thế từng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Từ người buôn bán nhỏ lẻ cho đến các tập đoàn lớn, tất cả đều có thể trở thành nạn nhân của những phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ trên mạng xã hội.
Ông Cao Hoàng Nam, điều phối viên trưởng Chương trình Internet và Xã hội (VPIS), cho rằng mặc dù trên các trang mạng xã hội đều cài đặt chức năng “thông báo vi phạm” cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật, kích động thù hận, tuy nhiên, việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Trước thực trạng này, đã đến lúc buộc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những phát ngôn thù ghét để hướng tới xây dựng môi trường mạng an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng tại Việt Nam. Bà Phạm Hải Chung, đồng Trưởng ban Internet và Truyền thông (VPIS), cho biết theo kết quả khảo sát của VPIS, Việt Nam hiện đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Dựa trên 1.000 mẫu nghiên cứu khảo sát, 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Trong các nội dung phát ngôn gây thù ghét, 61,7% người sử dụng mạng xã hội đã từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỷ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%. |