|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lựa chọn của Hy Lạp

15:31 | 02/09/2017
Chia sẻ
Những đồng tiền đầu tư của Trung Quốc vào Hy Lạp - quốc gia Nam Âu, thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU) mấy năm gần đây bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng - đã bắt đầu sinh lợi nhuận, không chỉ tính bằng tiền bạc mà cả bằng ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Hy Lạp và cả khối EU.
lua chon cua hy lap
Du khách Trung Quốc trước trụ sở Quốc hội Hy Lạp. Ảnh: NYT

Trong cơn khủng hoảng kéo dài, Hy Lạp phải cầu xin sự trợ giúp của “bộ ba”, gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Để được vay tiền cứu nguy, Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp khắc khổ như tăng thuế, giảm trợ cấp xã hội, giảm biên chế và giảm lương công chức, tư nhân hóa tài sản quốc gia... dù phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Giữa cảnh khốn quẫn đó, có một bàn tay chìa ra mà Hy Lạp khó mà từ chối: Trung Quốc.

Ngoại giao cuốn séc

Với túi bạc rủng rẻng, Trung Quốc không ngại mua rất nhiều trái phiếu mà chính quyền Athens phát hành bất chấp giới đầu tư phương Tây coi các trái phiếu do một chính phủ sắp vỡ nợ bán ra chỉ là “rác”. Trung Quốc cũng mua lại hầu hết các tài sản mà Hy Lạp bán ra với giá rẻ hơn giá trị thực để lấy tiền cho ngân khố rỗng không, đáng giá nhất là cảng Piraeus trên bờ Địa Trung Hải.

“Trong lúc người châu Âu đối đãi với Hy Lạp giống như với những kẻ hút máu thời Trung cổ thì Trung Quốc tiếp tục đem tiền tới”, Costas Douzinas, thành viên đảng cầm quyền Syriza, lãnh đạo ủy ban đối ngoại và ủy ban quốc phòng của Quốc hội Hy Lạp, nhận định.

Nhờ dòng tiền Trung Quốc, bộ mặt cảng Piraeus thay đổi hẳn. Hải cảng trải dài hơn 20 dặm bãi biển bên ngoài thủ đô Athens đã trở thành một rừng cần cẩu, bốc dỡ, sắp xếp hàng chục ngàn container hàng hóa từ Trung Quốc và từ khắp thế giới. Ngay giữa cảng là trụ sở tập đoàn Cosco - doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, sở hữu 67% cổ phần nhưng kiểm soát toàn bộ hoạt động của cảng Piraeus, quốc kỳ Trung Quốc phần phật bay bên cạnh cờ EU và cờ Hy Lạp. Dự kiến một bến cảng nổi (floating dock) siêu hiện đại sẽ được đưa từ Trung Quốc tới đây vào tháng 11; một khu vực cảng dành cho hành khách cũng đang được nhà đầu tư Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng. Sau khi mua được cảng Piraeus, Trung Quốc đã đổ vào đây khoảng nửa tỉ đô la Mỹ, thông qua tập đoàn vận tải biển Cosco, biến nơi đây thành hải cảng nhộn nhịp nhất vùng Địa Trung Hải và thành điểm mở vào châu Âu, thành “đầu rồng” trong đại dự án “Nhất lộ nhất đới” (Một vành đai một con đường) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ra sức cổ xúy. Hàng hóa từ Trung Quốc, sau khi được bốc dỡ tại cảng Piraeus, sẽ tỏa ra khắp các quốc gia Trung Âu nhờ một mạng lưới đường sắt và đường bộ do Trung Quốc xây dựng, đích đến sẽ là Đức và Pháp - những thị trường tiêu thụ hấp dẫn.

Cũng ở gần Athens, nhà đầu tư Guo Guangchang - ông chủ tập đoàn Fosan International Holdings, người được ví như là Warren Buffett của Trung Quốc - đang chuẩn bị nhiều tỉ euro để biến một sân bay cũ thành một khu ăn chơi giải trí và sòng bạc lớn gấp 3 lần diện tích Monaco dành cho những du khách lắm tiền nhiều của. Dự án, có tên gọi Hellenikon, là một phần của kế hoạch thu hút khoảng 1,5 triệu du khách Trung Quốc đến Hy Lạp trong vòng năm năm tới.

Từ kinh tế đến chính trị

Để có được những thành quả kinh tế như vậy, Hy Lạp đôi khi chấp nhận trở thành người phát ngôn cho Trung Quốc tại các hội nghị EU về những vấn đề nhạy cảm. Mùa hè vừa qua, Hy Lạp ngăn chặn EU đưa ra một tuyên bố thống nhất chống lại hành vi xâm lấn của Trung Quốc trên biển Đông. Hồi tháng 6, Hy Lạp lại cản trở khối EU lên án thành tích nhân quyền tồi tệ của Bắc Kinh và đây là lần đầu tiên trong hàng thập niên, khối EU “im lặng” về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau đó, Hy Lạp chống lại việc EU ban hành những quy định cứng rắn trong việc xét duyệt các dự án đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu... Mỹ và EU từng lo ngại tình trạng kinh tế kiệt quệ sẽ khiến Hy Lạp trở thành mục tiêu chinh phục của Liên bang Nga - nước luôn muốn chia rẽ phương Tây; nhưng trên thực tế Trung Quốc mới trở thành một thế lực nước ngoài ngày càng hùng mạnh ở Hy Lạp nhờ kiên trì theo đuổi thủ đoạn ngoại giao “cuốn séc” (checkbook diplomacy).

Các quan chức châu Âu lo ngại Trung Quốc đang bỏ tiền mua sự im lặng về các vấn đề nhân quyền và xói mòn khả năng của EU trong việc xây dựng một tiếng nói chung của toàn khối. Hungary - một thành viên khác của EU - cũng đã ngăn cản việc EU ra tuyên bố biển Đông sau khi được Bắc Kinh cam kết cho vay và đầu tư hàng tỉ đô la để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu - đã phải ngậm ngùi than thở rằng, sức mạnh kinh tế cho phép Trung Quốc gây áp lực với các nước châu Âu nhỏ bé đến mức “Nhìn từ Bắc Kinh, châu Âu giống như một bán đảo của châu Á”, bà Merkel nói. Giới quan sát lưu ý, thái độ phản bác của Hy Lạp đối với EU trở nên rõ ràng trong thời gian gần đây, sau khi Thủ tướng nước này, ông Alexis Tsipras có hai chuyến viếng thăm tới Bắc Kinh, mới nhất là vào tháng 5-2017, nơi ông ký kết nhiều biên bản ghi nhớ (memorandum) cho các khoản đầu tư của Trung Quốc trị giá nhiều tỉ euro.

Trong lúc Berlin và Brussels tỏ ra cảnh giác với vốn đầu tư từ Trung Quốc thì Athens dường như ngày càng tỏ ra gần gũi với Bắc Kinh dù các quan chức cao cấp của Hy Lạp vẫn luôn khẳng định cam kết trung thành với quyền lợi của cả khối.

Ông Douzinas của Quốc hội Hy Lạp cho biết, Trung Quốc chưa bao giờ công khai đòi hỏi sự ủng hộ của Hy Lạp trong vấn đề nhân quyền, biển Đông hoặc các vấn đề nhạy cảm khác, dù ông và các quan chức Hy Lạp khác thừa nhận không cần thiết phải có những yêu cầu công khai như vậy. “Khi bạn suy sụp, vài người xúm vào đánh bạn, vài người khác xức dầu cho bạn; thì khi bạn có cái gì đó để đáp lại thì bạn sẽ giúp ai, người giúp bạn hay kẻ đã đánh bạn?”, ông Douzinas lập luận. Với nhiều người khác, quan hệ Hy Lạp-Trung Quốc là một sự lựa chọn “cân bằng” của Athens - một kiểu đi dây giữa các cường quốc mà không nhất thiết phải đứng hẳn về một phía.

Cánh cửa vào châu Âu của Trung Quốc

Tuy vậy mối quan hệ đó không phải không có lúc trắc trở. Tháng 1-2015, tức năm năm sau ngày rơi vào khủng hoảng kinh tế, người dân Hy Lạp làm cả châu Âu sửng sốt khi bầu đảng cánh tả cực đoan Syriza và nhà lãnh đạo của đảng, ông A. Tsipras, lên cầm quyền. Ông Tsipras cam kết chấm dứt mọi biện pháp thắt lưng buộc bụng và đình chỉ việc tư nhân hóa tài sản quốc gia, kể cả việc bán hải cảng Piraeus. Người dân Athens đổ ra đường, vẫy cờ Syriza ủng hộ chính phủ mới và lên án các trung tâm quyền lực châu Âu như Berlin và Brussels.

Tuy nhiên, chính Bắc Kinh mới cảm thấy bất an khi những nỗ lực theo đuổi nhiều năm và tốn kém ở Hy Lạp có nguy cơ đổ vỡ, nhất là khoản đầu tư vào cảng Piraeus. Đại sứ Trung Quốc tại Athens Zou Xiaoli là nhà ngoại giao nước ngoài đầu tiên đến thăm ông Thủ tướng mới và khẩn khoản yêu cầu Hy Lạp tôn trọng những cam kết của chính phủ tiền nhiệm, đặc biệt là trong vấn đề tư nhân hóa cảng Piraeus. Chưa đầy một tuần sau, Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang trực tiếp gọi điện thoại cho ông Tsipras để bảo đảm Hy Lạp không có sự thay đổi chính sách đột ngột. Đáp lại, chính phủ của Thủ tướng Tsipras công bố “nâng cấp quan hệ Hy Lạp-Trung Quốc”. Vài tuần sau đó, ba chiến hạm Trung Quốc cập bến cảng Piraeus và trong buổi đón tiếp, ông Tsipras công bố ý định của Hy Lạp “muốn làm một cánh cửa mở vào châu Âu cho Trung Quốc”.

Cảng Piraeus bây giờ đã thuộc quyền kiểm soát của doanh nghiệp Trung Quốc, được trang bị cần cẩu và thiết bị của Trung Quốc chứ không phải của Hy Lạp, cầu cảng được mở rộng bằng vật liệu xây dựng của Trung Quốc, do nhân công Trung Quốc thi công. Cảng thông qua các nhà thầu phụ tuyển dụng khoảng 1.500 lao động bản xứ nhưng phần lớn đều chỉ là hợp đồng ngắn hạn và tiền công thì thấp hơn nhiều so với trước đây. “Có thêm nhiều công nhân nhưng thu nhập thì giảm sút”, ông Giorgos Gogos, Tổng thư ký công đoàn cảng Piraeus, cho biết. “Cứ như là một kiểu chủ nghĩa thực dân mới không có pháo hạm”, ông Douzinas của Quốc hội Hy Lạp than thở.

“Chính phủ Hy Lạp cần chọn đối tác để liên minh và nên nhận ra rằng, châu Âu không chỉ là một thị trường mà trên hết, trước hết là một cộng đồng các giá trị”, Marietje Schaake, người Hà Lan, thành viên cao cấp của Nghị viện châu Âu, cảnh báo. Tuy nhiên trong thời đại mà quyền lợi quốc gia, quyền lợi phe nhóm được coi trọng hơn những vấn đề ý thức hệ, thể chế chính trị thì kẻ có nhiều tiền thường có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Thái Bình