Lũ lụt khiến Bangladesh thiệt hại 400.000 tấn gạo
Đây có thể là một đòn giáng mạnh đối với Bangladesh, quốc gia có lịch sử dựa vào hàng nhập khẩu để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai như lũ lụt hoặc hạn hán.
Mặc dù vậy, gần đây, nông dân quốc gia Nam Á đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm giá hợp lí cho sản xuất trong bối cảnh thặng dư ngũ cốc, và không có thỏa thuận ở nước ngoài nào kể từ khi nước này dỡ lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 5 để hỗ trợ thị trường.
Lũ lụt gây ra bởi những cơn mưa gió mùa lớn đã khiến ít nhất 108 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 6 triệu người ở Bangladesh, cũng như tàn phá các loại cây trồng khác, chủ yếu ở khu vực phía bắc.
"Đây là một mất mát lớn đối với người nông dân", ông Mir Nurul Alam, Tổng giám đốc của Cục Khuyến nông, cho biết.
Tuy nhiên, theo ông điều này sẽ không có tác động nhiều đến trữ lượng gạo nói chung, khi dự trữ quốc gia đang rất dồi dào.
Trong khi đó, văn phòng thời tiết Bangladesh đã dự báo một đợt lũ khác có thể ập đến trong tháng này.
Ngân hàng trung ương Bangladesh đã chỉ thị cho các ngân hàng địa phương không được thúc giục người dân để trả nợ cho các khoản vay trước đó và cung cấp những khoản vay mới để giúp nông dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Bộ trưởng Nông nghiệp Abdur Razzaque cũng cho biết chính phủ đã phân bổ tổng cộng 638 triệu taka (tương đương 7,5 triệu USD) để hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân ở các vùng bị lũ lụt.
Bên cạnh viện trợ khẩn cấp, một kế hoạch phục hồi trang trại đang được thực hiện để cung cấp hạt giống và phân bón miễn phí cho nông dân bị ảnh hưởng trong vụ mùa tiếp theo.
"Chúng tôi đã thực hiện một loạt các biện pháp để đảm bảo giá hợp lí cho người nông dân ... các hướng dẫn đã được đưa ra cho (các quan chức huyện) để mua gạo trực tiếp từ nông dân", ông Razzaque nói.
Tuy nhiên, các thành phần trên thị trường cho biết động thái này sẽ không có lợi cho hầu hết những người trồng cần tiền mặt, vì họ thường buộc phải bán vụ mùa của mình cho các nhà xay xát hoặc người trung gian với mức giá rẻ hơn nhiều để nợ.
Trong năm 2017, Bangladesh đã buộc phải nhập khẩu ồ ạt để tăng dự trữ sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng và đẩy giá địa phương lên mức kỉ lục. Dự trữ trong nước đã được cải thiện rất nhiều kể từ đó.
Tháng 5, Bangladesh đã tăng thuế nhập khẩu gạo lên 55% từ 28% và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lâu dài để hỗ trợ nông dân trong bối cảnh người nông dân biểu tình vì giá gạo trong nước giảm mạnh.
Bangladesh, nhà sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới với sản lượng gần 35 triệu tấn mỗi năm, đã không thể đạt được các thỏa thuận ở nước ngoài kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ vì gạo của nước này đắt hơn nguồn cung từ Ấn Độ hoặc Thái Lan, ngay cả sau khi giá tại địa phương giảm thời gian gần đây.