|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

LPBank chỉ còn một phương án đổi tên thành Ngân hàng Lộc phát Việt Nam

09:36 | 16/04/2024
Chia sẻ
Phương án này sẽ được trình tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 được tổ chức vào ngày mai (17/4).

Ngày 15/4, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) đã cập nhật tài liệu đại hội đồng cổ đông về phương án trình đổi tên ngân hàng. 

Theo đó, ngân hàng cho biết cho biết từ năm 2011 đến nay đã sử dụng tên “Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt”. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển toàn diện, ngân hàng cần tên gọi mới để phù hợp với tình hình. 

Phương án ban đầu được HĐQT đưa ra là đổi tên ngân hàng thành: “Ngân hàng TMCP Bưu điện Việt Nam”, tên tiếng Anh là “Vietnam Post Commercial Joint Stock Bank”, tên giao dịch thành “Ngân hàng Bưu điện Việt Nam”. 

Tuy nhiên, sau đó ít lâu, LPBank đã bổ sung thêm phương án đổi tên thành “Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam”.

Và tới thời điểm hiện tại chỉ còn lại phương án duy nhất là đổi tên thành “Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam”. Tên viết tắt của ngân hàng vẫn giữ nguyên là LPBank.

"Việc thay đổi tên gọi nhắm đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của ngân hàng", phía ngân hàng cho biết trong tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 sẽ tổ chức vào ngày mai (17/4).

HĐQT cũng trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc giao/uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm đổi tên và tiến hành các thủ tục liên quan. Trong quá trình thực hiện HĐQT được toàn quyền chủ động quyết định điều chỉnh/thay đổi tên gọi mới (ngoài tên gọi nêu trên) nếu thấy cần thiết và/hoặc theo ý kiến của cơ quan nhà nước có thầm quyền.

Vào đại hội đồng cổ đông thường niên năm ngoái, ngân hàng đã trình việc đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ LienVietPostBank thành LPBank.

Lý do ngân hàng đưa ra là tên cũ có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Đồng thời xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể.

Trong một diễn biến có liên quan khác, cổ đông lớn Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost) đã nhiều lần muốn thoái vốn tại LPBank nhưng đều bất thành. Lần gần nhất vào tháng 4/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo không tổ chức phiên đấu giá cổ phần của LPBank do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sở hữu do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.

Trong lần phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng năm ngoái của LPBank, cổ đông lớn này cũng đã chào bán số quyền mua của mình (140,5 triệu quyền mua) nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham gia thỏa thuận.

Theo Thông tư 11/2023 của NHNN, sau 7 ngày kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ của LPBank, các phòng giao dịch bưu điện (PTO) sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm.

Cụ thể, đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đáo hạn, phòng giao dịch bưu điện sẽ phải tiếp tục thực hiện đúng theo thỏa thuận trước đó với khách hàng. Đối với những khoản tiến gửi đã đáo hạn, PTO phải có biện pháp thanh toán cho khách hàng. 

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán VNDirect cho rằng việc thoái vốn của VNPost sẽ không ảnh hưởng tới chiến lược đẩy mạnh cho vay bán lẻ trong dài hạn của LPBank. Theo ngân hàng, việc thoái vốn sẽ không tác động đến mối quan hệ giữa hai bên vì LPBank và VNPost đã ký thỏa thuận hợp tác 50 năm. 

Đồng thời, LPBank vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ của VNPost, chẳng hạn về cơ sở dữ liệu khách hàng, để theo đuổi chiến lược cho vay bán lẻ với khách hàng hưu trí và người dân nông thôn.

H.T