|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

LPBank bỏ kế hoạch bán vốn cho nước ngoài, không chia cổ tức trong ba năm tới

07:49 | 28/03/2024
Chia sẻ
LPBank sẽ dừng kế hoạch tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và ESOP, thay vào đó sẽ chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Dự kiến trong ba năm tới, ngân hàng sẽ không trả cổ tức nhằm tăng cường năng lực tài chính.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2024, với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng. 

Theo thông báo mới nhất, LPBank sẽ chuyển ngày tổ chức ĐHĐCĐ từ 27/4 sang thành 13h ngày 17/4, tức sớm hơn 10 ngày so với dự kiến trước đó. Địa điểm tổ chức đại hội vẫn sẽ là Khách sạn Ninh Bình Legend, số 177 đường Lê Thái Tổ, KĐT Xuân Thành, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, Ninh Bình.

Tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng, không chia cổ tức trong ba năm

Tại ĐHĐCĐ, LPBank sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá, sẽ được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) quyết định. Thời gian chào bán và các thông tin chi tiết khác vẫn chưa được công bố. Hiện vốn điều lệ của LPBank đang là 25.576 tỷ đồng. Sau chào bán, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên mức 33.576 tỷ đồng, thuộc nhóm các nhà băng có vốn cao nhất Việt Nam. 

LPBank có cơ hội lọt vào Top 10 các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong năm 2024. 

LPBank cho biết việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, khả năng cạnh tranh và đổi mới công nghệ, nhằm mục tiêu phát triển bền vững năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong năm 2023, LPBank cũng đã tăng vốn từ 17.291 lên 25.576 tỷ đồng. 

Tại ĐHĐCĐ 2023, LPBank cũng từng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Tuy nhiên, hai cấu phần tăng vốn này sẽ được HĐQT đề xuất ngừng thực hiện do tình hình thị trường và thực tế triển khai, chuyển sang phương án mới trong tờ trình năm nay.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, HĐQT LPBank dự kiến trình ĐHĐCĐ chiến lược không chia cổ tức trong vòng ba năm tới nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. 

Toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của năm 2023, lợi nhuận còn lại các năm trước chuyển sang và thặng dư vốn cổ phần (4.345 tỷ đồng) sẽ được giữ lại. Năm ngoái, LPBank đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 19%, tương đương gần 3.300 tỷ đồng. 

Mục tiêu lãi 9.500 tỷ đồng, tăng 35%

Trong năm 2024, LPBank dự kiến đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng gần 35% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Tổng tài sản dự kiến tăng lên mức 427.260 tỷ đồng, cao hơn 11,6% so với năm ngoái. 

Huy động thị trường 1 được kỳ vọng ở mức 317.380 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong khi tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,9%, lên 319.140 tỷ đồng. Năm ngoái, LPBank đã vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao ở các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, thu dịch vụ, tín dụng thị trường 1 và tổng tài sản.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của LPBank. (Ảnh: LPBank).

Để hoàn thành cách mục tiêu trên, trong năm 2024, LPBank sẽ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và chuyển đổi số, ưu tiên triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại vào kinh doanh và quản trị điều hành như: Định danh eKYC, thanh toán không tiếp xúc NFC, triển khai nền tảng quản trị dữ liệu, giải pháp thanh toán, giải pháp ngân quỹ Treasury, nền tảng ngân hàng hợp kênh LienViet24h … 

Đặc biệt là dự án chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi sang hệ thống T24 của tập đoàn Temenos - đơn vị cung cấp giải pháp ngân hàng lõi dẫn đầu thị trường.

Đổi tên ngân hàng

Trong tờ trình, HĐQT cho biết từ năm 2011 đến nay đã sử dụng tên “Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt”. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển toàn diện, ngân hàng cần tên gọi mới để phù hợp với tình hình. 

HĐQT đề xuất đổi tên ngân hàng thành: “Ngân hàng TMCP Bưu điện Việt Nam”, tên tiếng Anh là “Vietnam Post Commercial Joint Stock Bank”, tên giao dịch thành “Ngân hàng Bưu điện Việt Nam”. Tuy nhiên, tên viết tắt là LPBank vẫn sẽ được giữ nguyên.

Ngoài ra, Ban Kiểm soát LPBank cũng có tờ trình lên ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2008 với ông Nguyễn Phú Minh. Ngày 27/3, ông Minh đã có đơn từ nhiệm với lý do bản thân không đủ thời gian đảm nhiệm vai trò Thành viên Ban Kiểm soát.

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.