Lợi nhuận quý III cao kỷ lục, Samsung cam kết trả cổ tức gấp đôi trong năm 2018
Logo Samsung tại trụ sở của hãng ở thủ đô Seoul. Nguồn: Kim Hong-Ji/Reuters. |
Samsung, nhà sản xuất chip bán dẫn, tivi và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, cho biết sẽ tăng gấp đôi cổ tức chi trả lên 9.600 tỷ won (8,57 tỷ USD) trong năm tới và duy trì mức này đến năm 2020, một động thái nhằm xoa dịu áp lực từ nhà đầu tư buộc hãng phải tăng chi cổ tức lên mức tương đương ở các công ty đối thủ.
Samsung cũng cho biết chi phí vốn trong năm 2017 sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 81% lên 46.200 tỷ won (41 tỷ USD) do phải đầu tư các nhà máy sản xuất chip và phòng thí nghiệm mới nhằm đón đầu nhu cầu tăng vọt của thị trường máy chủ và thiết bị lưu trữ dung lượng lớn.
“Lợi nhuận kỷ lục hiện nay là kết quả của hàng loạt dự án đầu tư mạnh tay trong quá khứ và chi phí vốn khổng lồ là dấu hiệu cho thấy Samsung sẽ tiếp tục đầu tư cho các mục tiêu dài hạn”, ông Greg Roh, chuyên gia phân tích tại HMC Investment & Securities, cho biết. “Chi phí vốn trong năm tới sẽ ở mức tương tự để giúp Samsung duy trì đà tăng trưởng”.
Samsung cho biết lợi nhuận của hãng trong quý III đạt 14.500 tỷ won (12,91 tỷ USD), gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, doanh thu tăng 29,8% lên 62 nghìn tỷ won (55,34 tỷ USD), tương đương con số ước tính trước đó.
Tỷ lệ chi trả cổ tức trong ba năm tới sẽ tăng lên mức 50% từ mức 30 – 50% ở thời điểm hiện tại.
Tính đến cuối tháng 9, Samsung sở hữu lượng tiền mặt và tương đương tiền mặt lên đến 76 nghìn tỷ won (68 tỷ USD), tăng 8% so với quý trước đó chủ yếu nhờ lợi nhuận cao hơn chi phí vốn.
Theo số liệu của Reuters, hãng công nghệ Apple trả cổ tức ở mức 22 cent trên một USD lợi nhuận trong suốt 5 năm qua, tỷ lệ này ở Microsoft là 53 cent trên mỗi USD lợi nhuận. Trong khi đó, Samsung chỉ trả cho cổ đông 11 cent trên mỗi USD lợi nhuận.
Các đế chế kinh doanh gia đình tại Hàn Quốc tương tự Samsung nổi tiếng chi trả cổ tức ở mức thấp và ưu ái các cổ đông chi phối trong khi bỏ mặc lợi ích của các nhà đầu tư thông thường.
Thị trường điện thoại thông minh khởi sắc
Samsung cho biết dự báo lợi nhuận của hãng khả quan chủ yếu nhờ vào mảng kinh doanh chip, với triển vọng thị trường trong năm 2018 tiếp tục khởi sắc. Hãng cũng dự báo doanh số màn hình OLED dùng cho điện thoại thông minh sẽ tăng vọt.
Chip là một trong những mảng kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Samsung trong quý III khi lợi nhuận hoạt động của hãng ghi nhận mức cao kỷ lục 10.000 tỷ won (9 tỷ USD), so với 3.400 tỷ won (3 tỷ USD) vào năm ngoái.
Lợi nhuận từ mảng di động cũng tăng lên 3.300 tỷ won (2,94 tỷ USD), so với con số khiêm tốn 100 tỷ won (89 triệu USD) hồi năm ngoái do thiệt hại từ việc thu hồi dòng điện thoại Note 7.
Thay lãnh đạo
Giám đốc điều hành kiêm phó chủ tịch Samsung Kwon Oh-hyun ngày 13/10 thông báo ý định rút khỏi ban điều hành trong khi một số vị trí chủ chốt khác cũng đang bị bỏ trống, trong đó có người đứng đầu mảng kinh doanh linh kiện.
Samsung đã chọn giám đốc tài chính Lee Sang-hoon vào vị trí chủ tịch của hãng và cho biết hai cựu giám đốc điều hành, ông J.K. Shin và ông Yoon Boo-keun, sẽ từ chức.
Ông Kim Ki-nam, 59 tuổi, được chỉ định vào vị trí lãnh đạo mảng Giải pháp Thiết bị, đơn vị sản xuất các linh kiện điện tử, trong đó có chip nhớ vốn đã đóng góp phần lớn lợi nhuận lên đến 12,91 tỷ USD trong quý III vừa qua.
Bên cạnh đó, ông Koh Dong-jin, 56 tuổi, sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo mảng Truyền thông Di động và Công nghệ Thông tin, trong khi ông Kim Hyun-suk, 56 tuổi, sẽ điều hành mảng Điện tử Tiêu dùng.
Việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Việc tái cơ cấu ban lãnh đạo tại tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc nhằm trấn an nhà đầu tư về những khoảng trống nhân sự để lại sau khi ông Jay Y. Lee, người thừa kế của tập đoàn, bị kết án 5 năm tù với tội danh hối lộ.
Các vị trí mới trong ban lãnh đạo đều do các nhân viên kỳ cựu của Samsung đảm nhiệm. Điều này cho thấy tập đoàn kinh tế trị giá 348 tỷ USD của Hàn Quốc sẽ duy trì truyền thống thay vì đổi mới hoàn toàn.