Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm tốc
Theo đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank, mã chứng khoán: BAB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý III giảm mạnh tới 73% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 77 tỷ đồng.
Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi khi thu nhập lãi thuần trong quý chỉ đạt 426 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Dù chi phí hoạt động trong kỳ đã giảm 12,6% nhưng vẫn không đủ bù đắp được sự sụt giảm đáng kể của thu nhập lãi thuần. Thêm vào đó, BacABank còn tăng 13,8% chi phí trích lập dự phòng rủi ro, cũng khiến lợi nhuận ngân hàng thu hẹp.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 551 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ; sau thuế đạt 444 tỷ đồng, cũng giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, đã đi qua 3/4 chặng đường năm 2023 nhưng BacABank mới chỉ hoàn thành được 50% kế hoạch lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng cho cả năm nay.
Điểm tích cực trong báo cáo tài chính kỳ này của BacABank là tốc độ tăng quy mô tổng tài sản và huy động vốn vẫn duy trì ở mức hai con số. Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản BacABank tăng 12,6%, đạt 145.000 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 18,2% so với đầu năm và tín dụng tăng 4,8% so với đầu năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) cũng công bố lợi nhuận sụt giảm quý thứ 4 liên tiếp. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của VPBank cho thấy lợi nhuận trước thuế trong quý III đạt hơn 3.117 tỷ đồng, giảm hơn 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính cũng đến từ sự sụt giảm nguồn thu chính của ngân hàng với thu nhập lãi thuần giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.837 tỷ đồng. Tuy vậy, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 3 quý năm nay. Lũy kế 9 tháng năm 2023, thu nhập lãi thuần tại VPBank đạt 27.132 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng.
Ở chiều huy động vốn, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng gần 35% so với đầu năm, bỏ xa mức trung bình ngành 5,9%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA/tổng huy động vốn lên mức 17%, giúp ngân hàng tối ưu chi phí vốn đầu vào.
Đáng chú ý, thông tin đang được cổ đông VPBank đón chờ nhất là kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Theo Hội đồng quản trị VPBank, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt là ngày 10/11/2023 và thời gian dự kiến thực hiện chia cổ tức là ngày 20/11/2023.
Ngoài VPBank, SSI Reseach dự báo Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) cũng sẽ ghi nhận mức giảm lợi nhuận lần lượt từ 25-32% và từ 12-15%.
Theo SSI Research, NIM suy giảm và gánh nặng trích lập dự phòng là một số nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của TPBank giảm trong quý. Còn tại Techcombank, NIM cũng tiếp tục gặp áp lực trong quý III/2023 do cơ chế linh hoạt lãi suất áp dụng với một số khách hàng. Trong khi đó, chi phí vốn chưa có nhiều cải thiện khi ngân hàng phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống dưới 30% kể từ 1/10/2023. Tỷ lệ này của ngân hàng là 31,6% tại thời điểm cuối tháng 6/2023.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán: VIB) cũng không nằm ngoài dự báo này. Áp lực về NIM và gánh nặng trích lập dự phòng sẽ khiến MSB và VIB giảm lần lượt từ 6-13% và giảm 3% lợi nhuận trước thuế quý III so với cùng kỳ.
Không riêng các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) cũng nằm trong danh sách lợi nhuận giảm sút.
SSI Research ước tính lợi nhuận BIDV có thể giảm 12% mặc dù tăng trưởng tín dụng và huy động vẫn duy trì tốt ở mức 8,4% và 7,2% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối tháng 9. Nguyên nhân chính vẫn đến từ gánh nặng trích lập dự phòng. Ngân hàng sẽ tích cực xử lý nợ để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý.
Ở chiều ngược lại, SSI Research dự báo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế quý III/2023 tăng cao nhất ở mức từ 57-63% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, NIM đi ngang so với quý trước trong khi tỷ lệ nợ xấu dự kiến đạt khoảng 2%.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) được SSI Research dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý III từ 20-22% so với cùng kỳ do chi phí dự phòng giảm so với mức cao đột biến cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) có thể tăng 16-19% nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) có thể tăng 18%, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) có thể tăng từ 7-12%.
Nhận định triển vọng kinh doanh quý cuối năm, bộ phận phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm trong quý IV/2023, lãi suất thực đang dần thu hẹp, lạm phát tăng lên và tín dụng tăng tốc hơn trong quý IV.
Theo VDSC, ngân hàng là một trong những nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực hơn trong quý IV này do cùng kỳ năm ngoái có mức nền lợi nhuận thấp.