Lợi nhuận loạt doanh nghiệp phân bón họ Vinachem và PVN tăng bằng lần hai tháng đầu năm
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết hai tháng đầu năm, giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng cao cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát mạnh, lan rộng làm gián đoạn việc vận chuyển, hạn chế giao thương, hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước trên thế giới… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và của toàn tập đoàn nói riêng.
Doanh thu hai tháng đầu năm của Vinachem ước đạt 8.341 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận cộng hợp của toàn tập đoàn trong tháng 2 ước lãi 370 tỷ đồng; lũy kế hai tháng đầu năm ước lãi 872 tỷ đồng.
Trong đó, riêng lợi nhuận tháng 2 của ba đơn vị thuộc Đề án 1468 (CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, Công ty TNNH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 Vinachem) ước lãi 162,2 tỷ đồng. Lũy kế hai tháng đầu năm 2022 ước lãi 540,9 tỷ đồng.
Các đơn vị còn lại lãi hai tháng đầu năm ước lợi nhận 397 tỷ đồng, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó một số đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng cao như CTCP Phân bón Miền Nam (Mã: SFG) đạt mức tăng 1.425%; Hóa chất Việt Trì (Mã: HVT) đạt mức 450%; Phân lân Văn Điển (Mã: VAF) tăng 330%; CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) tăng 300%, DAP - Vinachem (Mã: DAP) tăng 596,5%; CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam (Mã: CSV) tăng 300% so với cùng kỳ.
Trong hai tháng đầu năm, tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 600.000 tấn phân bón các loại; 521.000 chiếc lốp ô tô; hơn 3,4 triệu chiếc săm lốp xe máy; 45.000 tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hoá chất.
Giá phân bón có thể tiếp tục tăng trong quý II
Không chỉ loạt doanh nghiệp phân bón họ Vinachem báo lãi tăng bằng lần hai tháng đầu năm mà loạt doanh nghiệp phân bón thuộc họ PVN cũng ghi nhận lợi nhuận đột biến.
Hai tháng đầu năm, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) đạt lợi nhuận trước thuế 735 tỷ đồng, tăng 559% cùng kỳ nhờ giá bán và sản lượng tích cực.
Còn Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) đạt lợi nhuận trước thuế 1.422 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 10 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ đạt gần 190.000 tấn; nhu cầu cao nên doanh nghiệp hoạt động xuyên tết và nguồn hàng kinh doanh đủ dùng trong nửa đầu năm.
Trước đó, báo cáo phân tích CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết ngay nửa đầu tháng 1, hơn 130.000 tấn phân ure của Đạm Phú Mỹ đã được xuất khẩu sang Ấn Độ với tổng giá trị ước đạt 105 triệu USD.
Theo nguồn tin riêng của KBSV, Đạm Phú Mỹ là một trong số các doanh nghiệp trúng gói thầu trên và đã kịp xuất bán ngay trong tháng 1. Với mức giá ure dao động từ 750 - 800 USD/tấn vào thời điểm đó, công ty dự kiến thu về khoản lợi nhuận ước đạt 1.000 - 1.100 tỷ đồng. Qua đó đã giúp lợi nhuận riêng hai tháng đầu năm của Đạm Phú Mỹ đạt 1.422 tỷ đồng.
Dưới tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, các tổ chức phân tích dự báo điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phân bón trong nước.
Nga đã chính thức dừng xuất khẩu phân bón. Báo cáo của Mirae Asset cho biết năm 2021, Nga đang là quốc gia xuất khẩu ure và NPK lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn. Việc Nga gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sẽ tạo cơ hội do các doanh nghiệp phân bón với kỳ vọng cả sản lượng và giá bán đều có thể hưởng lợi do sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ trên thế giới.
Bên cạnh đó, Nga và Ukraine chiếm đến 29% tổng sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu sản xuất lương thực là cần thiết, thúc đẩy nhu cầu phân bón.
Ngoài ra, đơn vị phân tích này cho rằng nguồn dự trữ phân bón thế giới đang suy giảm có thể tạo áp lực tăng giá phân bón tiếp tục trong quý II/2022.