|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu trong quý IV có thể cải thiện sau khi nâng chi phí kinh doanh

07:54 | 21/10/2022
Chia sẻ
SSI Research nhận định trong thời gian tới, việc tăng phí premium và chi phí vận chuyển trong việc cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giúp lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu như Petrolimex và PV OIL trong quý IV tăng so với quý III.

Sau sự việc hàng trăm cửa hàng xăng dầu phía Nam đóng cửa vì khó khăn tài chính, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã nâng định mức premium và chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Cụ thể chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu quy định đối với RON 92 lên 1.320 đồng; RON95 lên 1.340 đồng/lít, dầu diesel là 30 đồng/lít. Ngoài ra, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng cũng tăng lên 290 đồng/lít xăng nền phối trộn với RON 92; 280 đồng/lít với RON 95 và 240 đồng/lít với dầu diesel.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định trong thời gian tới, việc tăng phí premium và chi phí vận chuyển trong việc cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giúp lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu như Petrolimex và PV OIL trong quý IV tăng so với quý III.

Ngoài ra, sự phục hồi gần đây của giá dầu thế giới cũng có thể giúp cho các công ty này về hưởng lợi về hàng tồn kho.

 Cây xăng Nam Đồng ở 185 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Anh) 

Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới biến động với biên độ lớn khiến nhiều công ty đầu mối thua lỗ, một số cửa hàng bán lẻ đóng cửa gây gián đoạn cung - ứng xăng dầu trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 6,5 triệu m3, tương đương 6,8 tỷ USD, tăng 18% về lượng và gấp 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Hiện, xăng dầu nhập khẩu đang chiếm khoảng 20-30% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam.

Riêng quý III, lượng nhập khẩu xăng và dầu diesel giảm lần lượt 40% và 35% so với quý trước, đồng thời chỉ 19 trong tổng số 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong quý này.

Việc giá dầu thế giới biến động mạnh trong khi tín dụng bị thắt chặt, chi phí nhập khẩu, kinh doanh phi mã đã ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận và sức khỏe tài chính của các đầu mối.

Các doanh nghiệp này phải giảm hàng tồn kho và chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn đến việc một số cửa hàng xăng dầu tư nhân ở một số tỉnh phía Nam phải tạm đóng cửa.

Những diễn biến bất ổn trên thị trường gần đây có thể gây áp lực lên lợi nhuận của Petrolimex và PV OIL.

Phía PV OIL cho biết 9 ngày đầu tháng 10, sản lượng xăng dầu doanh nghiệp cung cấp cho các đầu mối phân phối ở TP HCM vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

Riêng hai ngày 8, 9/10, nhiều cây xăng trên địa bàn TP HCM đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL, tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho công tác điều độ hàng hoá. Sản lượng xăng bán lẻ của hai công ty thành viên là PVOIL Sài Gòn và Timexco tăng 60%, dầu DO tăng 25%.

Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng Giám đốc PV OIL cho rằng hoạt động kinh doanh của PV OIL trong quý III rất khó khăn khi giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục giảm, tác động trực tiếp đến lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh lũy kế 9 tháng.

Tương tự, đại diện Petrolimex cũng thông tin rằng sản lượng bán lẻ của TP HCM ngày 10/10 tăng 72% so với ngày 9/10, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà rịa - Vũng Tàu tăng 60%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa của Petrolimex tăng 20% so cùng kỳ năm 2021, riêng bán lẻ tăng 26%. Tuy nhiên, lợi nhuận xăng dầu của tập đoàn ước lỗ 780 tỷ đồng.

Ở một khía cạnh khác, SSI Research cho rằng đây cũng là cơ hội để các công ty dẫn đầu thị trường nâng cao vị thế trong dài hạn, bởi nhiều cửa hàng xăng dầu sẽ chuyển sang mua hàng từ các đầu mối lớn với đầu vào ổn định.

Hoàng Anh