|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi nhuận Công ty tái Bảo hiểm Quốc gia quý II giảm gần 30% so với cùng kỳ

08:11 | 26/07/2021
Chia sẻ
Nhiều khoản chi phí gia tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của VNR giảm mạnh trong quý II. Mặc dù vậy, luỹ kể 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng hơn 55% so với cùng kỳ.

Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế quý II/2021 đạt 90,2 tỷ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 76,8 tỷ đồng.

VNR cho biết lợi nhuận giảm do một số nguyên nhân như chi phí dự phòng phải thu khó đòi tăng 7,3 tỷ đồng, các khoản chi phí quản lý khác tăng 9 tỷ đồng làm giảm thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm.

Cùng với đó thu nhập hoạt động đầu tư và hoạt động khác giảm 34,7 tỷ đồng do chi phí dự phòng uỷ thác đầu tư tăng 51,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân là trong cùng kỳ năm trước Tổng công ty hoàn nhập dự phòng giảm giá uỷ thác đầu tư số tiền 44,7 tỷ đồng trong khi quý II năm nay số chi phí uỷ thác chỉ đạt 6,7 tỷ đồng. Thu nhập khác cũng giảm 1,9 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, luỹ kế 6 tháng đầu lợi nhuận trước thuế của VNR vẫn tăng 55,5% với 218 tỷ đồng.

Lợi nhuận Công ty tái Bảo hiểm Quốc gia quý II giảm gần 30% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của VNR. (Nguồn: DB tổng hợp từ BCTC).

Tính tới 30/6/2021, VNR có một công ty con là CTCP đầu tư Vinare với tỷ lệ sở hữu là 63,88% và tỷ lệ biểu quyết là 60% và một công ty liên kết là Công ty TNHH Bảo hiểm SamsungVina với tỷ lệ sở hữu là 25%.

Tổng tài sản của VNR tăng 4% đạt 7.007 tỷ đồng. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh, số dư cuối ngày 30/6 là 146 tỷ đồng, gấp 2,7 lần con số chốt năm trước. Khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần 35% trong khi đầu tư tài chính dài hạn giảm hơn 42%.

Lợi nhuận Công ty tái Bảo hiểm Quốc gia quý II giảm gần 30% so với cùng kỳ - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu tài chính của VNR.(Nguồn: DB tổng hợp từ BCTC).

VNR hiện đang góp vốn cổ phần vào nhiều công ty bảo hiểm như PJICO, PTI, Bảo hiểm toàn cầu, Bảo hiểm ABIC, Bảo hiểm Hùng Vương, Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Khoản góp vào TPBank chiếm tỷ trọng lớn nhất 64% tổng giá trị đầu tư.

Lợi nhuận Công ty tái Bảo hiểm Quốc gia quý II giảm gần 30% so với cùng kỳ - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC VNR.

 

Diệp Bình