|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Lợi dụng nắng nóng, lại lừa đảo thiết bị siêu tiết kiệm điện

13:05 | 07/07/2020
Chia sẻ
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định các loại thiết bị có khả năng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm công tơ điện chạy chậm lại là hành vi ăn cắp điện, vi phạm qui định sử dụng điện.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa phát đi khuyến cáo về việc một số đối tượng lợi dụng thời điểm nắng nóng kéo dài và tâm lí muốn tiết kiệm điện để lừa đảo, rao bán thiết bị siêu tiết kiệm điện.

Theo đơn vị này, hiện có rất nhiều bài đăng quảng cáo về những loại thiết bị siêu tiết kiệm điện, có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ.

Tuy nhiên, các thiết bị này chưa được cơ quan chuyên môn chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện, đồng thời, qua quá trình sử dụng thực tế, nhiều người tiêu dùng cho biết các thiết bị siêu tiết kiệm này hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Lợi dụng nắng nóng, lại lừa đảo thiết bị siêu tiết kiệm điện - Ảnh 1.

Thiết bị tiết kiệm điện được rao bán trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh chụp màn hình).

Do đó, Cục Cạnh tranh khuyến cáo người dân tìm hiểu kĩ thông tin trước khi mua bán, sử dụng các thiết bị được quảng cáo có chức năng tiết kiệm điện. 

"Đối với các loại thiết bị có khả năng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm công tơ điện chạy chậm lại đồng nghĩa với việc đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm qui định sử dụng điện, có thể vẫn bị truy thu tiền điện, đồng thời bị xử phạt theo qui định của pháp luật", Cục Cạnh tranh khẳng định.

Thay vào đó, Cục khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tiết kiệm điện như tắt các thiết bị khi không sử dụng, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), điều hoà làm mát nên điều chỉnh ở 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp.

Sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không sử dụng các thiết bị sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường.

Đồng thời, người dân cần thường xuyên theo dõi, giám sát mức tiêu thụ điện hàng tháng của gia đình. Trường hợp có sự gia tăng đột biến, cần phản ánh tới đơn vị cung cấp điện lực trên địa bàn hoặc khiếu nại tới các cơ quan nhà nước để kịp thời làm rõ nguyên nhân.

Khuyến cáo này của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng được đưa ra khi gần đây, dư luận bức xúc vì liên tiếp có sai sót trong việc ghi chỉ số điện, khiến tiền điện của nhiều hộ dân một số tỉnh thành trên cả nước tăng đột biến. 

Gần đây, thêm câu chuyện hi hữu tại Tiền Giang, một khách hàng phản ánh hoá đơn lặp lại giống hệt nhau suốt nhiều tháng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lí ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.

Phúc Minh