Thủ tướng yêu cầu xử lí ngay bức xúc của người dân về tiền điện tăng đột biến
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra hôm nay, 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo về việc điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, trong đó có giá điện.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, gần đây, dư luận bức xúc liên quan đến những sai sót liên tiếp trong việc ghi chỉ số điện, khiến tiền điện của nhiều hộ dân nhiều tỉnh thành cả nước tăng đột biến. Mới đây, lại có thêm câu chuyện hi hữu tại Tiền Giang, một khách hàng phản ánh hoá đơn lặp lại giống hệt nhau suốt nhiều tháng.
Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lí ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.
Liên quan sai sót liên tiếp trong việc ghi chỉ số điện, EVN vừa cho biết đã quyết định bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện.
Cụ thể, khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập, thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hoá đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hoá đơn.
"Để thực hiện được việc lập hoá đơn, lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu và kí xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lí khách hàng sau khi kiểm tra", EVN cho biết.
Đồng thời, sẽ thiết lập cảnh báo tự động gửi danh sách các khách hàng tăng hoặc giảm bất thường theo các ngưỡng thiết lập (ví dụ: 3 lần, 4 lần… 10 lần) và tương ứng gửi email, SMS đến các vị trí quản lí của đơn vị từ tổ trưởng, trưởng phòng, phó giám đốc…
Các trường hợp hoá đơn tiền điện khi phản ánh về trung tâm chăm sóc khách hàng, đặc biệt vào các ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cần được chuyển đến lãnh đạo của đơn vị điện lực xử lí qua email, SMS, Zalo… để kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết hiện các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng. Các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót.
"Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của điện lực", EVN cho biết.