Lọc dầu Cát Lái 11 năm 'ì ạch', trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư công nghệ nâng chỉ số octane phân đoạn naphtha – Nhà máy lọc dầu Cát Lái, TP HCM.
Dự án có sự tham gia của ba nhà đầu tư chính bao gồm Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), CTCP Âu Lạc và Petro Summit Pte Ltd.
Từ ngày 28/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Saigon Petro triển khai dự án này. Tuy nhiên, do một số khó khăn, công ty đề nghị hợp tác cùng hai đơn vị còn lại thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án.
Bộ KH&ĐT xác định dự án này phù hợp với chủ trương và quy hoạch của TP HCM. Do đó, bộ đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cho dự án. Bộ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân TP HCM chịu trách nhiệm về thông tin hồ sơ dự án, nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định theo quy định pháp luật.
Đồng thời, trong 11 năm qua Nhà máy lọc dầu Cát Lái vẫn chưa được triển khai hoạt động, Bộ KH&ĐT yêu cầu Ủy ban nhân dân TP HCM làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thực hiện dự án của Saigon Petro và khả năng tài chính của các nhà đầu tư, đặc biệt là Âu Lạc.
Nhà máy Lọc dầu Cát Lái có công suất thiết kế 400.000 tấn condensate/năm với mục tiêu hoạt động 20 năm; chuyên sản xuất, chế biến, pha chế, kinh doanh xăng dầu, sản xuất khí đốt và khí dầu mỏ hóa lỏng. Dự án có tổng vốn đâu tư gần 1.180 tỷ đồng (hơn 52 triệu USD), sử dụng vốn vay chiếm 70% (36,82 triệu USD). Trong đó, vốn góp của Saigon Petro khoảng 159 tỷ đồng, Âu Lạc gần 85 tỷ đồng, Petro Summit 109,6 tỷ đồng.
Trong hồ sơ, các nhà đầu tư cho rằng dự án có hiệu quả kinh tế rất cao với giá trị hiện tại thuần (NPV) đạt gần 15 triệu USD, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) khoảng 33,6% với thời gian 3 năm. Đồng thời, dự án làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nước ngoài, kiềm chế nhập siêu và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Xem thêm |