|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Loạt ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí dự phòng, khả năng phòng thủ nợ xấu liệu có suy yếu?

12:45 | 30/10/2019
Chia sẻ
9 tháng đầu năm, tăng trưởng lợi nhuận của một số ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro. Điều này đặt ra dấu hỏi về tính bền vững trong cấu trúc lợi nhuận cũng như khả năng phòng thủ nợ xấu của các ngân hàng.
Loạt ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí dự phòng, khả năng phòng thủ nợ xấu liệu có suy yếu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Techcombank)

Loạt ngân hàng tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí dự phòng

Kết thúc 9 tháng kinh doanh đầu năm, lợi nhuận của hầu hết ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng lợi nhuận lại tạo ra nhiều băn khoăn khi tại một số ngân hàng, nó là hệ quả từ việc các nhà băng cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. 

Lợi nhuận thuần ở các nhà băng này chỉ tăng rất ít, thậm chí còn là giảm so với cùng kì nhưng do sự điều chỉnh giảm chi phí dự phòng khiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương hoặc tăng trưởng ở mức cao.

Techcombank là một ví dụ đầu tiên khi 9 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm gần 1%. Sự sụt giảm lãi thuần là một tín hiệu không hề tích cực đối với bất kì một ngân hàng nào nhất là đối với Techcombank, một ngân hàng đã liên tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong hơn ba năm qua. 

Nhưng nhờ việc đã cắt giảm hơn 66% chi phí dự phòng so với cùng kì năm 2018 đã giúp lợi nhuận trước thuế của nhà băng này vẫn tăng 14% đạt 8.860 tỉ đồng.

Một số ngân hàng có lợi nhuận chịu ảnh hưởng từ việc cắt giảm chi phí dự phòng

Screen Shot 2019-10-30 at 12

Nguồn: QT tổng hợp

Tương tự, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB chỉ tăng 5,3%, mức tăng không có gì nổi bật khi so sánh với những ngân hàng có cùng qui mô như TPBank, VIB (vẫn đang tăng trưởng rất mạnh mẽ). Tuy nhiên, chi phí dự phòng giảm tới 75%, lợi nhuận trước thuế của ACB vẫn tăng 24% so với cùng kì, đạt 5.561 tỉ đồng.

Bên cạnh ngân hàng tầm trung như Techcombank và ACB, một số ngân hàng có qui mô nhỏ hơn cũng ghi nhận sự chậm lại trong các hoạt động kinh doanh và con số lợi nhuận cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào việc cắt giảm chi phí dự phòng.

Ảnh hưởng của việc cắt giảm mạnh chi phí dự phòng được thể hiện rõ nét qua trường hợp của Saigonbank. Theo đó, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 1,6% nhưng do cắt hơn 65% chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã tăng mạnh 81%, lãi sau thuế gấp đôi cùng kì 2018.

Hay như Bac A Bank trong cùng kì, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sụt giảm 3,6% nhưng do chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm hơn 40% nên lợi nhuận của ngân hàng mới quay đầu tăng trưởng gần 11%.

Tại PG Bank, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của ngân hàng sụt giảm 2% so với cùng kì trong khi chi phí hoạt động vẫn tăng 1,5% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 5,2%. Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn tăng thêm 57 tỉ đồng nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro từ 294 tỉ đồng xuống còn 216 tỉ đồng.

… khả năng "phòng thủ" nợ xấu của các ngân hàng suy yếu?

Dự phòng rủi ro là tấm đệm phòng ngừa rủi ro của các ngân hàng. Khi một khoản nợ xấu phát sinh, trích lập từ các khoản dự phòng sẽ giúp ngân hàng tránh được những cú sốc về tài chính. Hiện nay, sử dụng dự phòng để xử lí nợ xấu vẫn chiếm tỉ trọng lớn tại các ngân hàng.

Do vậy, nhiều tổ chức tài chính thường sử dụng tỉ lệ bao phủ nợ xấu tức Số dư dự phòng/Nợ xấu để đánh giá khả năng "phòng thủ" nợ xấu của một ngân hàng .

Tính đến cuối tháng 9, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ACB ở mức 159%, Bac A Bank (127%), Techcombank (84%), Saigonbank (38%) và PG Bank (35%). Con số này có nghĩa cứ 100 đồng nợ xấu thì ACB có 159 đồng để dự phòng, trong khi Bac A Bank có 127 đồng, Techcombank có 84 đồng, Saigonbank có 38 đồng và PG Bank có 35 đồng.

ảnh_Viber_2019-10-29_18-26-56

Nguồn: QT Tổng hợp - Đồ họa: Đức Việt

So với thời điểm cuối năm 2018, ngoài Techcombank có tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 85% xuống 84%, bốn ngân hàng còn lại đều có sự gia tăng. Trong đó, ACB tăng từ 152% lên 159%; Bac A Bank tăng từ 122% lên 127%; Saigonbank và PG Bank tăng nhẹ lên mức 38% và 35%.

Điều này cho thấy khả năng phòng thủ nợ xấu của các ngân hàng vẫn tương đương và cao hơn cuối năm 2018. Tuy vậy, việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tại mỗi ngân hàng lại mang một sắc thái riêng.

Theo đó, tại ACB và Bac A Bank, những ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu ở mức trên 100%, tức số dư dự phòng cao hơn so với giá trị các khoản nợ xấu hiện có, nếu có vấn đề phát sinh sẽ không ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngân hàng.

Bởi vì nếu ACB hay Bac A Bank sử dụng toàn bộ số dư trích lập dự phòng để xử lí ngay toàn bộ nợ xấu (đưa nợ xấu về 0 đồng) thì ngân hàng vẫn còn thừa để hoàn nhập dự phòng và tăng thêm lợi nhuận.

Ngược lại, đối với Techcombank, Saigonbank và PGBank, những nhà băng có số dư trích lập dự phòng thấp hơn rất nhiều giá trị nợ xấu thì việc cắt giảm chi phí dự phòng giống như một biện pháp kĩ thuật nhằm hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. Áp lực tăng chi phí dự phòng của ngân hàng này rất có thể sẽ quay trở lại trong thời gian tới nhằm đảm bảo một tỉ lệ bao phủ nợ ở mức an toàn.

Quốc Thụy