|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Loạt ngân hàng bội thu từ bán chéo bảo hiểm trong năm 2019

08:07 | 06/02/2020
Chia sẻ
Năm 2019, kênh bancassurance mang về hàng trăm, nghìn tỉ đồng cho MBBank, ACB, TPBank, VIB, VPBank... và là động lực tăng trưởng chính của mảng dịch vụ các ngân hàng này.

Loạt ngân hàng bội thu từ bán chéo bảo hiểm trong năm 2019 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: TPBank).

Bancassurance là động lực chính của mảng dịch vụ ngân hàng

Trong năm 2019, ngoài hoạt động cho vay truyền thống, động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng còn đến từ sự "bội thu" từ hoạt động dịch vụ với tăng trưởng mạnh mẽ từ mảng kinh doanh bảo hiểm.

Kết thúc năm 2019, MBBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế kỉ lục hơn 10.000 tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2018 và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MBBank tăng 24%, mang về 3.186 tỉ đồng và đóng góp tới 13% tổng thu nhập hoạt động. 

Đáng chú ý, riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã đóng góp tới 1.788 tỉ đồng lãi thuần, chiếm 56% lợi nhuận mảng dịch vụ, tăng trưởng 18% so với năm 2018 và gấp gần 5 lần năm 2017.

Như vậy, trong hai năm qua, lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MBBank tăng trưởng gộp hơn 120%, gấp gần hai lần tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chung của cả mảng dịch vụ.

Tại MBBank, ngoài việc hợp tác bán chéo với các công ty bảo hiểm, việc thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life (MB Ageas Life) vào năm 2017 cũng đóng góp một phần quan trọng trong thành quả trên. Ngân hàng cho biết khoảng 85 - 90% doanh thu mới của MB Ageas Life đến từ việc phân phối trực tiếp thông qua hệ thống giao dịch của MBBank.

Tại VPBank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong năm 2019 tăng trưởng tới 84%, trong đó, lãi thuần bancassurance chiếm 42% với gần 1.250 tỉ đồng và tăng trưởng 42% so với năm trước.

Thu nhập bancassurance của VPBank mở rộng chủ yếu nhờ việc phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA Việt Nam. Theo dự báo của VNDirect, khoản tiền hoa hồng từ việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng được sẽ đóng góp thêm 1.445 tỉ đồng vào thu nhập ngoài lãi của VPBank trong giai đoạn 2018 - 2020.

Cũng giống MBBank và VPBank, hoạt động bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính trong mảng dịch vụ của VIB

Sau khi kí hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã tăng trưởng mạnh, liên tục trong suốt bốn năm qua.

VIB đã kí hợp tác với Prudential trong 3 năm và chiếm gần 80% thị phần bảo hiểm qua kênh ngân hàng của công ty bảo hiểm này. Theo số liệu của Chứng khoán Rồng Việt, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016.

Trong năm 2019, phí hoa hồng bảo hiểm của VIB đạt gần 1.112 tỉ đồng, gấp 4,6 lần cùng kì năm trước và đóng góp 50% tổng nguồn thu. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động này chiếm tới 62% tổng lãi thuần mảng dịch vụ.

Đối với ACB, thu nhập từ bảo hiểm đang dẫn dắt tăng trưởng thu nhập phí nói riêng và thu nhập hoạt động nói chung trong bối cảnh không có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thu nhập lãi hay thu nhập khác. Trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập phí từ bancassurance đạt kỉ lục 414 tỉ đồng tăng trưởng 250%.

Còn tại TPBank, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2019 đạt hơn 570 tỉ đồng chiếm tới hơn 50% tổng lãi thuần mảng dịch vụ và tăng 55% so với cùng kì. Đây là một kết quả đáng ghi nhận của TPBank trong bối cảnh hệ thống mạng lưới của ngân hàng này chỉ dừng mở mức 75 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.

Tỉ trọng lãi thuần từ bancassurance trong tổng lãi thuần từ dịch vụ

Loạt ngân hàng bội thu từ bán chéo bảo hiểm trong năm 2019 - Ảnh 2.

Bancassurance là động lực chính của mảng dịch vụ nhiều ngân hàng (Đvt: tỉ đồng) Nguồn: QT tổng hợp)

Dư địa tăng trưởng bancassurance vẫn còn lớn

Mặc dù không còn mới mẻ tại thị trường Việt Nam nhưng kênh bancassurance đang tạo ra những thay đổi lớn cho cả ngành ngân hàng và ngành bảo hiểm nhân thọ. 

Tiềm năng phát triển của bancassurance vẫn được giới phân tích đánh giá cao, đặc biệt khi có ngày càng nhiều người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng do tốc độ đô thị hóa cao và chính sách đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại Hội nghị chia sẻ, trao đổi thông tin định kì về lĩnh vực hiểm nhân thọ năm 2019, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) ước đạt 8.300 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 17,2% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ.

Chia sẻ về cơ hội của kênh bancassurance trong thời gian tới, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký IAV cho hay tại các quốc gia phát triển, kênh bancassurance đã phát triển mạnh mẽchiếm tỉ trọng từ 50 -70% tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường nhân thọ và Việt Nam được dự báo sẽ sớm đạt con số này trong tương lai gần.

"Các năm trước, kênh bancassurance chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn dưới 9% tổng doanh thu phí toàn thị trường, sang năm 2018 nhích lên 10%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 17,2 % minh chứng cho sự bứt phá mạnh mẽ của kênh này", ông nói.

Thực tế, trước sự hấp dẫn của mảng bancassurance, một loạt thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền giữa các ngân hàng và Tập đoàn bảo hiểm đã được kí kết trong năm 2019.

Hồi tháng 11/2019, FWD chính thức kí kết hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền 15 năm với Vietcombank. Theo tờ Bloomberg, giá trị của hợp tác dự kiến lên đến 1 tỉ USD, trong đó 400 triệu USD sẽ được FWD trả trước cho Vietcombank.

Còn theo ước tính của JP Morgan, hợp đồng trên sẽ mang về khoản thu nhập thường xuyên 600 tỉ đồng/năm, trong 15 năm cho Vietcombank.

Trước đó, ACB đã kí hai hợp đồng phân phối bảo hiểm không độc quyền với Manulife và FWD, bổ sung cho đối tác hiện tại là AIA. Trong khi TPBank cũng hoàn tất hỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền trong 15 năm với Sunlife Vietnam.

Bên cạnh việc tìm kiếm đối tác bảo hiểm, các ngân hàng cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động phân phối bảo hiểm tại các điểm giao dịch bằng nhiều hình thức khác nhau như khuyến mãi lãi suất cho người gửi tiền mua bảo hiểm hay sử dụng các ứng dụng di động để tăng khả năng giới thiệu các gói bảo hiểm tới khách hàng...

Quốc Thụy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.