|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loạt dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP HCM chậm tiến độ gây lãng phí

15:41 | 25/04/2022
Chia sẻ
Nhiều dự án quan trọng quốc gia chậm trễ triển khai, đưa vào hoạt động như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP HCM gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra một số dự án quan trọng quốc gia chậm trễ triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP HCM.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, trích báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương, được phê duyệt năm 2010, đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA mới đạt 2,5%, vốn đối ứng đạt 2,09%.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, được phê duyệt năm 2007 đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 48,4%, vốn đối ứng đạt 39,2%.

Dự án tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, đến nay lũy kế giải ngân vốn đạt 47,4% tổng mức đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8/2021 đạt 974 tỷ đồng.

Từ những đánh giá này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quyết liệt đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có chế tài xử lý các trường hợp chậm giải ngân, chậm triển khai các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng các các dự án quan trọng quốc gia.

Đồng thời, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các "nút thắt, điểm nghẽn" chưa có quy định chi tiết, hoặc chưa hướng dẫn cụ thể như pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, đất đai…

Liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, theo Zing, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết cơ quan này đang cùng các bộ, ngành thanh tra việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có xử lý 12 dự án yếu kém.

Đến nay, Chính phủ đang tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý sau thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng thành lập 4 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Tuy nhiên, theo Phó tổng Thanh tra, trong tháo gỡ khó khăn có những việc rất khó, đặc biệt liên quan đến cơ chế chính sách. “Khi Thanh tra Chính phủ kết luận, rất nhiều nội dung theo quy định pháp luật hiện hành thì vi phạm, nhưng để khắc phục, tháo gỡ lại rất khó khăn”, ông Bảy nói.

Ông dẫn chứng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc trình, phê duyệt vốn đầu tư là không đúng, nhưng để thực hiện và xử lý được vi phạm đó “là cả vấn đề”.

Dẫn chứng nữa được Phó tổng Thanh tra đưa ra là việc xử lý sau thanh tra tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) cũng rất khó khăn khi vướng mắc về cơ chế chính sách.

“Thanh tra Chính phủ đã và đang làm việc, lấy ý kiến các bộ, ngành như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… để báo cáo Thủ tướng, tìm cách gỡ khó trong thực hiện kết luận sau thanh tra ở dự án này”, ông Bảy cho hay.

Phương Trang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.