Loạt dự án bất động sản nào ở Hà Nội nằm trọng diện bị thu hồi?
Hà Nội sắp xử lý đối với 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP về việc rà soát 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố.
Báo cáo cho thấy, Hà Nội hiện có 16 dự án thuộc nhóm đã hoàn thành thủ tục thu hồi, 14 dự án thuộc nhóm chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động.
Cụ thể, nhóm 16 dự án đã xong thủ tục chấm dứt hoạt động bao gồm: Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại 19 Lê Thanh Nghị; Tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê 53E Hàng Bài; Bệnh viện Đa khoa Quang Trung tại đường Tam Trinh; Khu văn phòng tại 18 Cao Bá Quát...
14 dự án chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động, gồm: Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Mỏ - Địa chất tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm; Văn phòng làm việc và cho thuê tại số 6 Đào Duy Anh; Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng tại ngõ 162 Nguyễn Văn Cừ; Tổ hợp công trình công cộng phục vụ nhu cầu của quận Tây Hồ và nhà thấp tầng (UDIC Lakeside) tại ngõ 282 đường Lạc Long Quân...
Đáng chú ý trong các dự án bị chấm dứt hoạt động có 4 khu đô thị: Khu đô thị Monaco Garden, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai; Khu đô thị Trung Hưng, thị xã Sơn Tây; Khu đô thị Minh Quang Bắc, huyện Thường Tín; Khu đô thị Minh Quang Nam, huyện Thường Tín.
Hiện với các dự án đang nằm trong sách phải thu hồi, Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện thủ tục thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích để chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.
UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi dự án bị chấm dứt hoạt động phải được lập thành hồ sơ xử lý riêng và phải được quản lý, lưu trữ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (sử dụng đất không đúng mục đích, chậm tiến độ...) hoặc ban hành văn bản xử lý chuyên ngành (về quy hoạch, xây dựng...) cũng phải được các cơ quan quản lý nhà nước khác chủ động thực hiện theo đúng điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đã được pháp luật chuyên ngành quy định và phải được gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để xử lý, tổng hợp, quản lý, lưu trữ chung cùng vói các dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đối với các dự án bị chấm dứt hoạt động, bị thu hồi đất do vi phạm quy định về đất đai, UBND TP. Hà Nội yêu cầu phải được công bố công khai sau khi hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổ chức việc công bố.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu tập trung kiểm tra, rà soát 383 dự án chậm triển khai trên địa bàn 30 quận huyện, thị xã, trong đó: Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất mà quá thời hạn triển khai dự án thì xem xét, đề xuất thu hồi.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường và kết quả giám sát của Thường trực HĐND thành phố, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án; Mê Linh 50; Nam Từ Liêm 48; Hoàng Mai 25; Bắc Từ Liêm 23...