Loạt doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà ở Khánh Hòa kêu cứu vì bị cắt giảm sản lượng điện
Cắt giảm đồng loạt trong 4 tháng
Ngày 21/9, CTCP KHPC (KHPC) phát đi thông báo triển khai thực hiện kế hoạch huy động nguồn ĐMTMN trong 4 tháng cuối năm 2021.
Cụ thể, KHPC cho biết, thực hiện theo kế hoạch sản lượng ĐMTMN EVNCPC giao và thực hiện công bằng giữa các hệ thống, việc giảm huy động nguồn ĐMTMN được áp dụng đối với tất cả hệ thống ĐMTMN (không phân biệt cấp điện áp đấu nối, công suất lắp đặt).
Trong đó, KHPC vận động chủ đầu tư (CĐT) tự thực hiện giảm công suất và sản lượng ĐMTMN phát ngược (theo kế hoạch phân bổ). Trường hợp CĐT không tự thực hiện thì KHPC sẽ tiến hành biện pháp ngừng cung cấp điện lưới cho hệ thống ĐMTMN.
KHPC cũng cho biết, trường hợp CĐT tiếp tục không phối hợp thực hiện, sản lượng ĐMTMN thực tế đã đạt 90% mức sản lượng phân bổ tháng/lũy kế, điện lực cử người phối hợp CĐT tách hệ thống ĐMTMN ra khỏi lưới, niêm phong các điểm đấu nối (aptomat inverter, các điểm đấu string/line vào inverter …).
"Việc tách hệ thống ĐMTMN thực hiện cho đến khi bắt đầu chu kỳ ghi nhận sản lượng tiếp theo", văn bản nêu rõ.
Đối với trường hợp CĐT tiếp tục không hợp tác trong việc tách hệ thống ĐMTMN, sản lượng ĐMTMN thực tế đã đạt mức phân bổ tháng/lũy kế, điện lực sẽ tiến hành tạm ngừng cung cấp nguồn điện cho hệ thống ĐMTMN (bằng cách cắt FCO, aptomat tổng).
Thời gian ngừng cung cấp điện là từ 07h00 đến 17h00 hàng ngày, cho đến khi bắt đầu chu kỳ ghi nhận sản lượng tiếp theo (hoặc khi CĐT đồng ý biện pháp tách hệ thống ĐMTMN ở trên).
Doanh nghiệp đứng trước thiệt hại kép
Sáng 29/9, trao đổi với người viết ông Vương Anh Dũng, Tổng giám đốc CTCP Cam Hiệp Phát cho biết, hiện Khánh Hòa có khoảng 200 doanh nghiệp ĐMTMN có công suất dưới 1 MV đang bị ảnh hưởng do điện lực yêu cầu cắt giảm công suất.
Theo ông Dũng, từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải cắt giảm khoảng 15% công suất theo yêu cầu của điện lực, nhưng 4 tháng cuối năm con số này là 70%.
"Trung bình doanh nghiệp có ĐMTMN khoảng 1 MW sẽ thu được khoảng 300 triệu đồng tháng. Trong đó, doanh nghiệp phải tiền gốc và lãi ngân hàng khoảng 170-180 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền khấu hao và nhân công.
Việc cắt giảm, 15% sản lượng hồi đầu năm làm DN thiệt hại khoảng 45 triệu đồng tháng có thể chấp nhận được vì tình hình chung của cả nước bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Tuy nhiên, 4 tháng cuối năm cắt giảm 70% tháng tương đương việc doanh nghiệp chỉ thu về khoảng 100 triệu đồng/tháng. Chi phí này không đủ trả lãi và gốc ngân hàng và các khoản khác. Hơn hết, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng COVID-19 nhưng ĐMTMN không có trong danh mục ảnh hưởng COVID-19 để được hỗ trợ", ông Dũng nói.
Liên quan đến việc cắt giảm sản lượng điện khoảng 70% vào 4 tháng cuối năm khiến hàng loạt doanh nghiệp ĐMTMN tại Khánh Hòa lo lắng và đã có đơn gửi Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa kêu cứu.
Cụ thể, các doanh nghiệp khẳng định KHPC yêu cầu DN ĐMTMN phải tiết giảm sản lượng điện từ nay đến hết tháng 12 năm 2021 là trái với các thỏa thuận đã ký giữa hai bên và trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Các doanh nghiệp này cho biết, việc KHPC đơn phương đưa ra thay đổi về việc tiết giảm sản lượng điện (mua vào) của các CĐT là hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng đã ký.
Đồng thời, việc KHPC đơn phương tiết giảm hơn 70% sản lượng điện của các CĐT sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi, thậm chỉ đẩy các DN lâm vào tình trạng phá sản, đẩy hệ thống ngân hàng vào thế "vô tín dụng" gây ảnh hưởng rất xấu đến tinh hình an ninh, chính trị tại địa phương.
Theo đó, các DN ĐMTMN đề nghị, KHPC thực hiện đúng hợp đã ký; triển khai rà soát, xem xét lại việc cắt giảm điện bảo đảm mua hết sản lượng, chống lãng phí.
Đồng thời, thông báo cập nhật minh bạch phương pháp và kết quả tính toán công suất sản lượng điện tiết giảm để các CĐT cùng theo dõi, giám sát, thực hiện; kéo dài thời gạn áp dụng hợp đồng mua/bán điện để bù đắp cho khoản thời gian bị tiết giảm công suất và ảnh hưởng dịch COVID-19.
Các CĐT cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ các ngân hàng miễn, giảm lãi suất, kéo dài thời gian ân hạn nợ gốc cũng nhưng có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho phép các chủ đầu tư được sửa chữa thay thế, lắp đặt bổ sung các tấm bi quan điện do hỏng hóc để bù đắp vào phần hiệu suất hao hụt, suy giảm…
Loạt địa phương bức xúc
Tổng công ty Địện lực miền Trung cho biết, việc thực hiện các giải pháp thông báo, thuyết phục CĐT để giảm huy động nguồn ĐMTMN hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Với việc giảm huy động khoảng 50% công suất ĐMTMN trong những ngày vừa qua, các Công ty Điện lực thành viên của EVNCPC đã gặp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ phía các chủ đầu tư như: tụ tập gây rối trước trụ sở của các Công ty Điện lực Gia Lai, Đăk Lăk; khiếu kiện tập thể gửi đến nhiều Cơ quan, Ban ngành, kể cả Thủ tướng Chính Phủ; nhiều Chủ đầu tư đã thuê luật sư chuẩn bị khởi kiện CTCP Điện lực Khánh Hoà…
EVNCPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan Công an để tranh thủ sự đồng thuận và tránh gây bất ổn.
Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương cũng không đồng thuận với việc giảm huy động ĐMTMN quá nhiều do ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như ảnh hưởng đến việc thu ngân sách của tỉnh.