Loạt cổ phiếu sinh lời trong tháng 3, xuất hiện cổ phiếu tăng giá 260% chỉ trong 8 phiên
Xu hướng của thị trường chứng khoán trong tháng 3 nhìn chung có nhiều biến động mạnh. VN-Index lao dốc giảm mạnh trong 2 tuần đầu tiên, chạm đáy 1437,27 điểm vào ngày 15/3 trước khi đảo chiều hồi phục quay về quanh mốc 1500 điểm.
Thị trường tiếp tục có nhiều phiên rung lắc mạnh vào cuối tháng trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh một số hành vi sai phạm trên thị trường chứng khoán.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 3, VN-Index dừng tại mốc 1.492,15, chỉ tăng 2,02 điểm (0,14%) so với tháng trước.
Tích cực hơn, HNX-Index chốt tháng ở 449,62 điểm tăng 9,2 điểm, tương đương 2,09% so với cuối tháng 2. UPCoM-Index ở mốc 117,04 điểm tăng 4,84 điểm (4,31%).
Dòng tiền liên tục xoay chuyển giữa các ngành với vòng quay ngắn hơn. Ngoài những nhóm trụ cột, thị trường còn được dẫn dắt bởi những nhóm ngành hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế hoặc bứt phá hậu COVID-19. Nhiều cổ phiếu đem lại tỷ suất lợi nhuận cao, có mã đạt trên 200% trong tháng 3.
Cổ phiếu đầu tư bất động sản và dịch vụ nổi sóng trên HOSE
Bất chấp thị trường biến động mạnh, nhiều cổ phiếu trên sàn HOSE vẫn có thể đem lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư sau 1 tháng nắm giữ. Tâm điểm là mã NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay với mức tăng lên tới 106,51%.
Trong 14 phiên giao dịch, cổ phiếu NVT đã có 12 phiên tăng kịch trần, đẩy thị giá lên hơn gấp đôi so với thời điểm bắt đầu nhịp tăng vào giữa tháng 3. Không chỉ riêng NVT, nhóm cổ phiếu liên quan đến Nhựa Đồng Nai (DNP) và doanh nhân Vũ Đình Độ đã có khoảng thời gian tăng chóng mặt trong tháng 3.
Ngay sau NVT, cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương cũng tăng mạnh 92,04% trong bối cảnh liên tiếp xảy ra nhiều thay đổi trong các vị trí nhân sự chủ chốt của công ty này.
Kế đó là hai mã HUB và IDI đều có mức tăng mạnh hơn 65%. Trong đó, HUB là cổ phiếu nằm nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng tăng trưởng mạnh nhất trên sàn HOSE với tỷ lệ 66,98%. Còn IDI từng có nhịp tăng hơn 3 lần trong vòng 1 tháng trước khi quay đầu giảm sâu tạo mô hình cây thông, hiện cổ phiếu này đã vượt đỉnh cũ khi tăng trưởng 65,35%.
Ngoài những cổ phiếu trên, nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình đem lại mức lợi nhuận từ 60% đến 30% trong tháng 3 như COM (tăng 60,22%), FDC (59,15%), RDP (52,29%), DGC(39,71%), ASM (37,02%), TNC(31,66%).
Đáng chú ý, trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HOSE, có đến 4 cổ phiếu thuộc nhóm ngành đầu tư bất động sản và dịch vụ: NVT, OGC, FDC, ASM. Đây là nhóm cổ phiếu được nhận định sẽ được hưởng lợi từ các chính sách mở cửa, gói kích thích kinh tế hoặc bứt phá hậu COVID-19 của chính phủ.
KDM dẫn đầu đà tăng trên HNX với tỷ lệ gần 220%
Trên sàn HNX, do có biên độ giao dịch lớn hơn, các cổ phiếu cũng có sự tăng trưởng vượt trội hơn so với sàn HOSE. Dẫn đầu đà tăng là mã KDM của CTCP Tổng Công ty phát triển Khu đô thị dân cư mới với mức tăng lên tới 218,92%. Đây là mã duy nhất trên HNX đạt tỷ suất lợi nhuận vượt 200% tháng qua.
Vị trí thứ 2 thuộc về cổ phiếu THS của CTCP Thanh Hoa - Sông Đà với mức tăng 142,31%. Trong đó cổ phiếu THS ghi nhận tăng kịch trần 12 phiên liên tiếp, đẩy thị giá lên gấp 4 lần trước khi đảo chiều giảm mạnh.
Cố phiếu có mức tăng lớn hơn 100% cuối cùng trên sàn HNX là PEN với mức tăng 103,7%.
Theo thống kê, các cổ phiếu còn lại trong nhóm tăng mạnh nhất có tỷ lệ tăng giá xấp xỉ từ 75% - 50% như VC9 (cổ phiếu họ DNP) tăng 75%, HEV (70,63%), PDB (58,64%), SVN(57,14%), SDA(56,56%), UNI(50,49%), MHL(48,39%). Theo đó trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HNX, có đến một nửa thuộc nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng: KDM, PEN, VC9, PDB, SVN.
Việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế, đặc biệt GDP được dự báo tăng 6,5% - 7% trong năm 2022 không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội,... Do đó, ngành xây dựng nói chung, vật liệu xây dựng nói riêng sẽ có cơ hội phát triển rất tốt trong năm 2022.
Xuất hiện cổ phiếu tăng gần 260% trên thị trường UPCoM trong tháng 3
Dẫn đầu đà tăng trên thị trường UPCoM trong tháng 3 là cổ phiếu E12 của của CTCP Xây dựng điện Vneco 12 khi tăng kịch trần 8 phiên liên tiếp kể từ ngày 22/3. Đặc biệt ngay trong phiên đầu tiên khi bắt đầu nhịp tăng, mã này đã tăng 40% đẩy thị giá từ 10.000 đồng/cp lên 14.000 đồng/cp. Ghi nhận trong ngày 31/3, E12 kết phiên ở mức giá trần 35.900 đồng/cp, tăng gần 259% so với giá ngày 22/3.
Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu E12 luôn ở mức thấp khi khối lượng giao dịch trong các phiên chỉ èo uột vài ngàn cổ phiếu, trong khi trước đó thậm chí cổ phiếu này hầu như không giao dịch.
Theo sau E12, TNP của CTCP Cảng Thị Nại tăng trưởng ấn tượng 159,72% trong tháng qua. Trước nhịp tăng, TNP cũng hầu như không giao dịch. Nhóm 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất còn có LGM (tăng 156,92%), XMD (150%), YBC (135,63%), SAP (105,31%), CMF(77,83%), DTG (76,47%), BVN (75,9%), ATG (66,67%).