|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Lo ô tô Thái ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp Nhật xin nhập linh kiện thuế 0%

07:18 | 06/12/2016
Chia sẻ
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) lo ngại sau 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí.
lo o to thai o at vao viet nam doanh nghiep nhat xin nhap linh kien thue 0
Ảnh minh họa: BizLIVE

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp VBF 2016 tổ chức ngày 5/12, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết: tính đến thời điểm này, số thành viên của hiệp hội là trên 1.600, đứng thứ 3 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo JBAV, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam các thành viên của hiệp hội đang gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành hàng ngày.

Trong số các khó khăn mà JBAV đề cập tới, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến ngành công nghiệp ô tô.

JBAV cho biết, sản lượng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn quá nhỏ bé so với Thái Lan và Indonesia. Do vậy, khi các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam tiến hành nội địa hóa nhiều hơn nữa khi sản lượng còn nhỏ thì phần lớn sẽ làm tăng chi phí.

Vì lý do đó, hiện nay các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện CKD (Completely Knocked Down: Xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu).

Theo JBAV, do nhập khẩu phần lớn linh kiện CKD, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam phải chịu chi phí đóng gói, vận chuyển rất cao, hơn nữa họ còn phải đóng thuế nhập khẩu linh kiện. Vì vậy chi phí sản xuất ô tô tạo Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.

Hiện nay, sản xuất ô tô trong nước đang được bảo hộ bởi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc ở mức cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật lo ngại Sau 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí.

Trước thực trạng trên, JBAV đã gửi tới 2 Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương 2 đề xuất liên quan tới việc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô trong nước nhằm cắt giảm chi phí và duy trì sản xuất tại Việt Nam.

Cụ thể, nhằm giảm thuế nhập khẩu linh kiện để giúp các nhà sản xuất cắt giảm chi phí sản xuất, JBAV kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD theo hiệp định đối tác kinh tế chiến lược Việt Nam - Nhật bản về 0% từ 2018.

Thứ hai, JBAV kiến nghị Chính phủ Việt Nam làm rõ nội dung và yêu cầu của chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước Chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước đã được quy định tại điều 5-1 Quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ số 229/QĐ-TTg ngày 4 tháng 2 năm 2016.

JBAV cho rằng đây là chính sách rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, chính sách hiện nay vẫn chưa rõ ràng, vì vậy rất khó khăn để các nhà sản xuất chuẩn bị dự án sản xuất để xin hưởng hỗ trợ của Chính phủ.

Trong quá trình làm rõ nội dung ưu đãi và các yêu cầu cụ thể đối với dự án, JBAV xin kiến nghị Bộ Công Thương thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm các Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Văn Phòng Chính Phủ để vạch kế hoạch và mục tiêu hành động. JBAV cũng xin kiến nghị Bộ Công Thương lấy ý kiến của các nhà sản xuất ô tô về vấn đề này.

N. Mạnh