Lo ngại căng thẳng nợ công và nguy cơ vỡ nợ
|
Tình hình ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn do bội chi và nợ công tăng cao là những lo lắng chung được cử tri các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nêu rõ.
Đội vốn dự án công
Một trong những nguyên nhân cụ thể được các cử tri nêu ra trước nguy cơ về ngân sách và nợ công là tình trạng đội vốn các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách hiện nay. Tình trạng công trình đang thi công nhưng bị đội vốn đầu tư so với dự toán ban đầu làm căng thẳng, khó khăn hơn trong việc cân đối thu chi ngân sách.
Do đó, cử tri yêu cầu những dự án, công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần phải được quy hoạch, thiết kế chi tiết để dự toán đúng và đủ số vốn cần thiết để đầu tư thi công. Đặc biệt, cử tri kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát đối với tiến độ thực hiện và chất lượng các công trình, dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư hoặc được nhận hỗ trợ từ phía đối tác nước ngoài. Bởi hiện trạng phải bồi thường chậm tiến độ, chậm triển khai dự án…hiện nay đang gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Cử tri Hà Nội còn nêu đích danh các dự án nước ngoài đầu tư như nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông… hiệu quả kinh tế kém.
Thừa nhận các thực trạng và nhận thức rõ vấn đề, Quốc hội cho biết đã có nhiều hành động cụ thể, thông qua việc giám sát tối cao của Quốc hội cùng các cơ quan để sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, yêu cầu Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả đầu tư công.
Trong các nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã nhiều lần tiến hành giám sát về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng tiến hành giám sát các chuyên đề có liên quan tới lĩnh vực này theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ủy ban.
Quốc hội cũng khẳng định, trong năm 2017, tại phiên họp tháng 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. Đây là vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, bày tỏ nhiều ý kiến bức xúc trong thời gian qua.
Trong nội dung chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét quyết định giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội”.
Lo ngại nguy cơ vỡ nợ
Các cử tri các tỉnh Đồng Nai, TP. HCM, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ kiến nghị bày tỏ lo ngại trước nguy cơ về nợ của Việt Nam. Các cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Một số ý kiến cử tri cũng kiến nghị Chính phủ dừng vay vốn để thực hiện các dự án xây dựng và kiểm soát chặt chẽ vay vốn nước ngoài để trả các khoản nợ.
Trả lời về giải pháp giảm thiểu nợ công, hạn chế nguy cơ vỡ nợ, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp quản lý chặt chẽ dự toán chi ngân sách, cơ cấu lại nợ công.
Bộ này cam kết giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tập trung ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách, kể cả sử dụng dự trữ ngoài tệ của Nhà nước và vay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.
Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ đảm bảo nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn.