Lỗ kỷ lục trong năm 2023, F88 bắt đầu có lãi trở lại nhờ đâu?
Sau khi ghi nhận lỗ ròng trong 3 quý đầu năm ngoái do chi phí tín dụng tăng cao, CTCP Kinh doanh F88 đã chứng kiến lợi nhuận trở lại kể từ quý IV khi đạt 31,3 tỷ đồng. Trạng thái có lãi tiếp tục được duy trì trong ba tháng đầu năm nay, khi lợi nhuận sau thuế F88 đạt 31,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ FiinRatings, F88 kinh doanh có lãi trở lại nhờ kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu và giảm chi phí tín dụng. Đồng thời công ty cũng tái cơ cấu lại hoạt động quản lý tài sản nhằm gia tăng tỷ lệ thu hồi nợ.
Ngoài ra, chiến lược cho vay đẩy mạnh từ cho vay xe máy sang vay ô tô của F88 cũng làm tăng tỷ suất lợi nhuận trên mỗi khách hàng và rủi ro tín dụng thấp hơn. Cuối cùng, việc quản trị chi phí vận hành thông qua chuyển đổi số, tích hợp công nghệ trong quản lý cũng đóng vai trò giúp F88 có lãi trở lại.
Năm ngoái, F88 lỗ hơn 545 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất kể từ khi hoạt động của chuỗi cửa hàng dịch vụ tài chính này. Nguyên nhân được giải thích chủ yếu đến từ chính sách trích lập dự phòng.
Liên quan đến chính sách quản trị rủi ro này, hiện F88 vẫn đang duy trì khi trích lập 100% nợ quá hạn trên 90 ngày và xoá sổ khỏi dư nợ trong nội bảng và duy trì tỷ lệ khoản vay so với giá trị (Loan-to-Value Ratio - LTV) ở mức trung bình 50-70%, thấp hơn cam kết với các bên cho vay nước ngoài là 80%.
F88 cũng cải thiện khả năng quản trị rủi ro thông qua hệ thống chấm điểm tín dụng khách hàng để phân loại và đưa ra chính sách vay phù hợp. Tỷ lệ thu hồi nợ của công ty tăng dần kể từ quý IV năm ngoái, sau đó tăng mạnh vào quý I năm nay ở mức 22,6%. Năm 2023, tỷ lệ này là 15,6%.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu từ lãi và phí từ hoạt động cho vay cầm cố giữ tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tăng 18,4% trong năm ngoái và giảm nhẹ gần 3% trong ba tháng đầu năm nay.
Ngoài lãi và phí từ hoạt động cho vay cầm cố, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm trong năm ngoái của F88 giảm 23,2% so với năm 2022. Điều này diễn ra trong bối cảnh xu hướng giảm chung của toàn ngành bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo cập nhật, hoạt động bảo hiểm của F88 đã cải thiện doanh thu trong hai quý gần đây, nhờ vào việc nâng cao dịch vụ khách hàng và tăng cường đẩy mạnh doanh số từ bảo hiểm các khoản vay. Doanh thu từ các dịch vụ tiện ích tài chính khác cũng cho thấy sự phục hồi.
Trong thời gian qua, F88 tiếp tục đa dạng hóa nguồn huy động vốn từ vốn chủ sở hữu tới vốn vay (phát hành trái phiếu, các quỹ nước ngoài, ngân hàng). Liên quan tới vốn vay, bên cạnh hoạt động hành trái phiếu ngắn hạn trong nước - khoảng 450 tỷ đồng năm 2023, F88 tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với các quỹ nước ngoài như Lendable, Lending Ark, Green Arc.
Ngoài ra, công ty cũng có thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng CIMB Việt Nam. Trong đó, F88 đã đàm phán giảm chi phí huy động vốn với các bên cho vay, lãi suất trái phiếu giảm từ 12% xuống 11%.
FiinRatings cho biết F88 đang làm việc với một số ngân hàng nhằm hợp tác toàn diện ở hoạt động kinh doanh bên cạnh tìm kiếm nguồn vốn mới với chi phí hợp lý hơn. “Với điều kiện hiện tại, chúng tôi cho rằng F88 sẽ không gặp áp lực thanh khoản trong ngắn hạn”, báo cáo viết.
Công ty cho biết đã chi trả đúng hạn 100% các nghĩa vụ nợ trong nước, trong đó có gần 1.471 tỷ đồng trái phiếu và 49 triệu USD cho các khoản vay nước ngoài. Việc này giúp hệ số đòn bẩy tài chính D/E (tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu) của F88 ở mức 1,8 lần tại thời điểm 31/12/2023, thấp hơn nhiều so với mức trung vị ngành tài chính tiêu dùng mà FiinRatings thống kê ở mức 4,58 lần.
Năm nay, F88 đặt mục tiêu mở rộng danh mục cho vay và đưa tổng doanh thu tăng trưởng ở mức hai con số. Các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 sẽ đi kèm với việc tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng danh mục cho vay.
Tối ưu năng suất mạng lưới phòng giao dịch song song với việc mở thêm tối thiểu 80 phòng giao dịch tại các khu vực ở mức phân loại tốt A và B+. Ra mắt các dòng sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu, mở rộng thị trường, triển khai phương thức kinh doanh bảo hiểm mới.