Lo giữ việc, lao động quay lại nhà máy ngay sau Tết
"Năm nay tôi không về quê, ở lại làm việc hết ngày cuối và trở lại đúng hôm nhà máy khai trương mùng 7 Tết", chị Mai Thị Huệ, công nhân Công ty TKG Taekwang Vina (Đồng Nai), nói trong ngày làm việc đầu tiên 4/2.
Chị Huệ và chồng cùng quê Nam Định nên nhiều năm qua, gần như Tết nào gia đình cũng về quê. Chồng làm thợ hồ nhưng năm nay ít việc, chi tiêu của gia đình trông chờ vào tiền lương gần 12 triệu đồng mỗi tháng của vợ. Tết rồi chị được thưởng 1,5 tháng lương "nếu về quê sẽ hết vào tàu xe". Do đó, năm nay, anh chị thống nhất ở lại "ăn Tết miền Nam".
Người mẹ ba con cho biết ngoài lý do tiết kiệm chi phí, con nhỏ, ở lại Đồng Nai ăn Tết giúp chị quay lại sớm với công việc. Năm mới, chị đặt mục tiêu cuộc sống gia đình ổn định nên thuyết phục chồng cùng vào nhà máy làm việc. Nữ công nhân lý giải khi cất nhà thiếu tiền công ty cũng giúp vay vốn. Những lúc dịch ập đến, thiếu việc, công đoàn hỗ trợ lương thực. Chị sinh ba đứa con cũng không phải lo vì có bảo hiểm y tế và hỗ trợ của công ty.
"Sau nhiều biến cố tôi thấy có một nơi làm việc tốt là may mắn", nữ công nhân 42 tuổi, nói.
Cũng như chị Huệ, hơn 35.000 công nhân Công ty TKG Taekwang Vina đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết 9 ngày. Vào ngày làm việc đầu năm, ban giám đốc và công đoàn cũng đã lì xì cho mỗi nhân viên 200.000 đồng, tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết tỷ lệ đạt 98%, chỉ còn khoảng 700 người ở các tỉnh miền Bắc chưa vào tới nơi do đi xe đưa đón miễn phí của công ty khởi hành vào mùng 7 được nghỉ thêm hai ngày có lương.
Theo ông Phúc, nhiều năm qua, doanh nghiệp luôn cố gắng để tạo ra không khí làm việc sôi động ngay từ đầu năm bằng nhiều cách như lì xì, bốc thăm may mắn, tặng quà... cho công nhân. Bên cạnh các chương trình "kiểu mì ăn liền", doanh nghiệp xác định yếu tố quan trọng là lương, thưởng, chế độ phúc lợi ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, trong năm qua, ban giám đốc nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng, đối tác mới, duy trì công việc đều đặn để người lao động an tâm gắn bó.
Tương tự, chị Ngọc Tuyền, trợ lý kinh doanh công ty phân phối hàng tiêu dùng, đã quay lại TP HCM từ mùng 4 Tết để chuẩn bị đi làm trở lại vào mùng 6 (ngày 3/2).
Doanh nghiệp nơi chị Tuyền làm việc có gần 100 người, đóng ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú). Do phân phối các sản phẩm thiết yếu nên trước Tết khối lượng công việc của công ty khá lớn. Chị Tuyền là một trong số nhân viên làm việc đến ngày cuối cùng. Chị lên xe về Phú Yên ăn Tết vào sáng 27 tháng Chạp. Sau kỳ nghỉ, dù việc không nhiều, nữ nhân viên 32 tuổi vẫn quyết định vào sớm để chuẩn bị cho ngày khai trương. "Bắt nhịp sớm để bản thân không bị ì", chị Tuyền nói.
Người mẹ hai con cho biết bản thân rất trân trọng công việc mới nên dặn mình phải nỗ lực nhiều hơn. Hai năm trước, chị sinh con gái thứ hai cùng lúc hết hợp đồng làm việc ba năm ở nơi cũ. Mất việc giữa lúc kinh tế khó khăn lại có con nhỏ nên gần một năm chị không tìm được chỗ làm mới. Giữa năm ngoái, công ty hiện tại nhận chị vào làm việc với lương cơ bản hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, công ty còn thưởng thêm khi đạt doanh số tốt.
"Tết năm ngoái tôi cũng về quê nhưng quay lại TP HCM mà không biết sẽ làm gì, năm nay thì khác, có một công việc để bắt đầu thực sự rất may mắn", chị Tuyền nói.
Tâm lý giữ việc như chị Tuyền hay nữ công nhân Huệ một trong những nguyên nhân giúp tỷ lệ lao động quay lại làm việc sau Tết tăng, theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM). Làn sóng cắt giảm lao động, thiếu giờ làm, mất việc... thời gian qua đã tác động đến tâm lý của lao động. Nhiều người mong muốn quay trở lại làm việc sớm để giữ việc, đảm bảo cuộc sống.
Phân tích thêm, bà Hiếu cho rằng thời gian qua, nhiều lao động rời thành phố hoặc chuyển sang làm các công việc phi chính thức, các doanh nghiệp đã xây dựng nhiều chính sách tuyển dụng hấp dẫn, phúc lợi, môi trường làm việc thân thiện để thu hút và giữ chân nhân viên. Đặc biệt, kinh tế TP HCM đã dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng, tăng cường tuyển dụng, tăng lương... tạo niềm tin cho lao động, khích lệ họ quay trở lại thành phố.
Từ những yếu tố này, theo khảo sát trước Tết của Falmi, 76,5% doanh nghiệp TP HCM tin rằng 100% lao động sẽ quay trở lại làm việc sau Tết, 19% công ty đánh giá tỷ lệ này từ 80% đến dưới 100%. Số ít còn lại (4,5%) cho rằng tỷ lệ này sẽ thấp hơn.
Tại Đồng Nai, số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, khảo sát nhanh 130 doanh nghiệp vào sáng 4/2, tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt trên 86%. Nhóm chưa quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết đều có đăng ký phép năm và dự kiến sẽ tăng nhanh trong một vài ngày tới.
Tương tự, ở Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết năm nay tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trở lại ngay từ ngày 3/2 (mùng 6 Tết) cao hơn mọi năm. Nhiều doanh nghiệp tổ chức lì xì từ 100.000-800.000 đồng cho lao động tạo không khí phấn khởi. Nhiều nhà máy ghi nhận 100% lao động quay trở lại ngay sau Tết như Showa Gloves Việt, Kurabe Industrial Việt Nam, Friesland Campina...
Lãnh đạo ngành lao động tỉnh Bình Dương cho rằng tỷ lệ lao động quay lại làm việc cao hơn mọi năm do các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi và đa dạng các hình thức chăm lo đời sống người lao động. Đặc biệt, tác phong làm việc, ý thức kỷ luật của lao động được nâng lên là yếu tố quan trọng để họ quay lại làm việc đúng ngày, giờ.