Ông Vũ Quang Hội đã 'nhường' ghế Chủ tịch Du lịch Hương Giang cho một NĐT ngoại
Vụ thâu tóm cổ phần nhà nước tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang dù xảy ra từ năm 2016 nhưng tới 2-3 năm sau vụ việc này vẫn gây nóng truyền thông và dư luận. Các thông tin báo chí phát đi trước đó cho thấy, sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2016, cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Tập đoàn Bitexco đã chiếm giữ hơn 70,4% cổ phần tại Du lịch Hương Giang, trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, soi cơ cấu vốn chủ sở hữu của Du lịch Hương Giang tính tới ngày 31/12/2018 cho thấy tập đoàn Bitexco đã không còn là cổ đông duy nhất có quyền chi phối tại đây mà bên cạnh Bitexco còn một cổ đông ngang cơ khác với những thông tin khá bí ẩn.
Chi tiết vốn chủ sở hữu của Công ty Du lịch Hương Giang tính tới ngày 31/12/2018. Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2018 của Công ty Du lịch Hương Giang.
Cụ thể, tính tới ngày 31/12/2018, vốn đầu tư của chủ sở hữu tại Du lịch Hương Giang là 200 tỉ đồng, trong đó Bitexco góp gần 83,5 tỉ đồng, chiếm 41,74%. Một cổ đông khác góp số vốn ngang ngửa Bitexco là Crystal Treasure Limited với gần 83,5 tỉ đồng, chiếm 41,74%. Cổ đông còn lại là bà Lê Thị Ngọc Thúy góp 14 tỉ đồng, chiếm 7% và các cổ đông khác góp hơn 19 tỉ đồng, chiếm 9,52% vốn chủ sở hữu.
Theo tìm hiểu, Crystal Treasure Limited (Công ty TNHH Crystal Treasure) là một doanh nghiệp tư nhân đến từ Hong Kong. Doanh nghiệp này có mã số thuế là 0309881071, văn phòng đại diện tại TP HCM ở địa chỉ 33 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, Quận Bình Thạnh.
Người đại diện pháp luật của công ty là bà Đỗ Thị Minh Hoà. Công ty có giấy phép số 79-02095-01, ngày cấp giấy phép là 10/01/2008 và ngày hoạt động là ngày 20/08/2009.
Hiện có rất ít các thông tin về doanh nghiệp này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo một nguồn tin từ Báo Tuổi Trẻ thì công ty này trước đây có tên gọi là Công ty TNHH Kei Sei. Tuy nhiên, các thông tin về Công ty TNHH Kei Sei cũng gần như không xuất hiện trên truyền thông hay trên các trang truy cập về dữ liệu doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2018 của Du lịch Hương Giang cũng cho thấy, ông Vũ Quang Hội - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco – đã không còn là Chủ tịch HĐQT Du lịch Hương Giang. Ông Hội bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 7/11/2018 và hiện là thành viên HĐQT. Chức Chủ tịch HĐQT thay vào đó thuộc về ông Yukio Takahashi. Còn vị trí Tổng giám đốc công ty thuộc về ông Johnny Cheung Ching Fu, đến từ Hong Kong.
Hiện trong HĐQT của Du lịch Hương Giang có 3 cổ đông ngoại là ông Yukio Takahashi, ông Go Fujiyama và ông Johnny Cheung Ching Fu; hai cổ đông người Việt còn lại đến từ Tập đoàn Bitexco là ông Vũ Quang Hội và ông Nguyễn Viết Tạo.
Nhà đầu tư bí ẩn cùng Bitexco đồng sở hữu loạt khách sạn đất vàng Huế
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018, tính đến thời điểm 31/12/2018, Công ty CP Du lịch Hương Giang đang đầu tư vào các công ty liên kết bao gồm: Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (hơn 4,1 tỉ đồng – tương đương 40% tỷ lệ quyền biểu quyết); Công ty CP Dịch vụ Du lịch Huế (20% tỷ lệ quyền biểu quyết) và Công ty CP Du lịch Thiên Phúc (940 triệu đồng, tương đương 31,3% tỷ lệ quyền biểu quyết). Tuy nhiên, hiện Công ty CP Dịch vụ Du lịch Huế và Công ty CP Du lịch Thiên Phúc đã ngừng hoạt động.
Du lịch Hương Giang cũng đang đầu tư vào các công ty liên doanh bao gồm: Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế (hơn 52 tỉ đồng - tương đương 50% quyền biểu quyết); Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Nhà hàng Việt Nhật (hiện đã ngừng hoạt động); Công ty TNHH Khách sạn Kinh Thành (hơn 46,4 tỉ đồng - tương đương 49% quyền biểu quyết); Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Kinh Thành (gần 21,7 tỉ đồng - tương đương 35% quyền biểu quyết).
Trong các công ty liên kết, liên doanh của Du lịch Hương Giang nêu trên, có ba đơn vị mà phần vốn của Nhà nước tại các công ty này là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại loạt khách sạn có vị trí đắc địa nhất nhì ở Huế như khách sạn 4 sao Saigon Morin (Du lịch Hương Giang liên doanh với Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế, tỷ lệ góp vốn là 50%), khách sạn 5 sao La Residence (liên doanh với Công ty khách sạn Kinh Thành, tỷ lệ góp vốn 49%) và Lăng Cô Beach Resort (Công ty liên kết là Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô, tỷ lệ góp vốn của Du lịch Hương Giang là 40%).
Toàn cảnh khách sạn Hương Giang bên bờ sông Hương - Huế. Ảnh: Internet.
Khách sạn Hương Giang tọa lạc trên khu đất vàng ở trung tâm Thành phố Huế, rộng khoảng 1,4ha, nằm trên trục đường chính Lê Lợi, chạy dọc 200m bờ sông Hương. Đây là khách sạn luôn nằm trong top 10 khách sạn hàng đầu được Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn trong những năm qua.
Khách sạn Saigon Morin Huế. Ảnh: Internet.
Khách sạn Saigon Morin là khách sạn có tiêu chuẩn 4 sao, tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 7.000m2 (0,7ha), ngay ngã 4 các trục đường trung tâm Thành phố Huế là đường Lê Lợi và đường Hùng Vương nối thẳng ra cầu Trường Tiền.
Khách sạn La Residence Huế. Ảnh: Internet.
Khách sạn La Residence là một trong những khách sạn có tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên ở Thành phố Huế, có diện tích khoảng 1,7ha cũng nằm ở trung tâm Thành phố Huế, đang mở rộng xuống sát bờ sông Hương. Khách sạn có 122 phòng khách và phòng căn hộ, với ban công hoặc sân thượng, spa, bể bơi ngoài trời, sân tennis, trung tâm thương vụ, các tiện nghi phục vụ hội họp, nhà hàng, quầy bar ngoài tiền sảnh…
Một góc Khu du lịch Lăng Cô Beach resort Huế. Ảnh: Internet.
Khu du lịch Lăng Cô Beach resort ở vịnh Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân, một bên là dãy Trường Sơn, bên kia là bờ Biển Đông. Lăng Cô Beach resort cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 30 Km, cách cố đô Huế 50km và nằm ngay bên quốc lộ 1A, có quy mô 124 phòng nghỉ, trong đó 97 phòng villa.