|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Du lịch Hương Giang làm ăn thế nào sau khi vào tay Bitexco?

19:27 | 03/04/2019
Chia sẻ
Năm 2018 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty tăng nhẹ, đạt hơn 86 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 3,6 tỉ đồng. Thu nhập của Tổng giám đốc đạt 823 triệu đồng, tăng 21% so với năm 2017. DN cũng đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty CP Du lịch Mỹ An

Công ty CP Du lịch Hương Giang vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất đã kiểm toán năm 2018.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được 126 tỉ đồng từ thương vụ thoái vốn cho Bitexco

Theo đó, liên quan đến việc Tập đoàn Bitexco thâu tóm toàn bộ cổ phần nhà nước tại công ty này, Thuyết minh BCTC cho thấy, tại ngày 31/12/2018, số dư tiền gửi không kỳ hạn của công ty là hơn 37,9 tỉ đồng. Trong đó, khoản tiền hơn 32 tỉ đồng là số tiền thu được từ việc chuyển nhượng phần vốn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại công ty này cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

Đây là số tiền phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn ngày 30/3/2016 giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco. Người nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch HĐQT, người đại diện chính phần vốn nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang.

Số lượng cổ phần chuyển nhượng là 12.572.200 cổ phần, tương đương tổng mệnh giá 125.722.000.000 đồng, chiếm 62,86% vốn điều lệ của Công ty CP Du lịch Hương Giang. Tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 158,4 tỉ đồng (tương đương mỗi cổ phần có giá 12.600 đồng).

Du lịch Hương Giang làm ăn thế nào sau khi vào tay Bitexco?  - Ảnh 1.

Trong thương vụ chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang cho Bitexco thì một cổ phần có giá chỉ còn 12.600 đồng.

Công ty đã chuyển trả số tiền 126 tỉ đồng theo các văn bản yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, số tiền còn lại là hơn 32 tỉ đồng sẽ được chuyển trả khi có yêu cầu.

Được biết, phiên đấu giá ngày 18/7/2007 thực hiện cổ phần hóa Công ty Du lịch Hương Giang, một cổ phần có giá khởi điểm là 10.700 đồng nhưng sau đấu giá được mua với mức 32.567 đồng/cổ phần. Các cán bộ - công nhân viên của công ty này được mua theo giá ưu đãi, giảm 40% và chiếm khoảng 2,07% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, 9 năm sau, trong thương vụ chuyển nhượng vốn nhà nước cho Bitexco thì một cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang có giá chỉ còn 12.600 đồng!

Du lịch Hương Giang làm ăn ra sao khi về tay Bitexco?

BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 cho thấy, trong năm qua, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt hơn 86 tỉ đồng, tăng 5,6% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu từ cho thuê phòng, dịch vụ nhà hàng đạt hơn 44,1 tỉ đồng; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt gần 42 tỉ đồng.

Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 18,3 tỉ đồng, tăng 5,7% so với 2017.

Du lịch Hương Giang làm ăn thế nào sau khi vào tay Bitexco?  - Ảnh 2.

Công ty Du lịch Hương Giang đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty CP Du lịch Mỹ An.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập của doanh nghiệp đạt gần 3,6 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2017.

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Du lịch Hương Giang đạt hơn 270,4 tỉ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm 2018 (263,3 tỉ đồng). Trong đó, cơ cấu tài sản tập trung chủ yếu vào tài sản dài hạn với hơn 193 tỉ đồng, chiếm tới 71% tổng tài sản.

Trong năm 2018 công ty đã chi hơn 9 tỉ đồng cho việc cải tạo Khách sạn Hương Giang (hơn 8,8 tỉ đồng); cải tạo Trung tâm ẩm thực 11 Lê Lợi – TP Huế (gần 251 triệu đồng) và cải tạo Nhà hàng Bình Minh (hơn 22,7 triệu đồng).

Tính tới 31/12/2018, công ty ghi nhận khoản nợ xấu hơn 1,5 tỉ đồng từ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Thuận An (hơn 717 triệu đồng) và Công ty CP Tulico Hương Giang (720 triệu đồng) cùng các khoản khác (76,3 triệu đồng). Đây là các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi.

Con số nợ xấu trên giảm khoảng 6% so với thời điểm đầu năm 2018 (1,63 tỉ đồng).

Về cơ cấu vốn chủ sở hữu, tính tới ngày 31/12/2018, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco góp gần 83,5 tỉ đồng, chiếm 41,74% vốn chủ sở hữu của công ty. Crystal Treasure Limited (Công ty TNHH Crystal Treasure, đến từ Hong Kong) góp gần 83,5 tỉ đồng, chiếm 41,74% vốn chủ sở hữu. Còn lại là bà Lê Thị Ngọc Thúy góp 14 tỉ đồng, chiếm 7% và các cổ đông khác góp hơn 19 tỉ đồng, chiếm 9,52% vốn chủ sở hữu.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, Công ty CP Du lịch Hương Giang đang đầu tư vào các công ty liên kết bao gồm: Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (hơn 4,1 tỉ đồng – tương đương 40% tỷ lệ quyền biểu quyết, tăng hơn 300 triệu đồng so với thời điểm đầu 2018); Công ty CP Dịch vụ Du lịch Huế (20% tỷ lệ quyền biểu quyết) và Công ty CP Du lịch Thiên Phúc (940 triệu đồng, tương đương 31,3% tỷ lệ quyền biểu quyết). Tuy nhiên, hiện Công ty CP Dịch vụ Du lịch Huế và Công ty CP Du lịch Thiên Phúc đã ngừng hoạt động.

Du lịch Hương Giang cũng đang đầu tư vào các công ty liên doanh bao gồm: Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế (hơn 52 tỉ đồng - tương đương 50% quyền biểu quyết, tăng 1,6 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2018); Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Nhà hàng Việt Nhật; Công ty TNHH Khách sạn Kinh Thành (hơn 46,4 tỉ đồng - tương đương 49% quyền biểu quyết, tăng hơn 5,4 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2018); Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Kinh Thành (gần 21,7 tỉ đồng - tương đương 35% quyền biểu quyết, tăng hơn 4,5 tỉ đồng so với đầu năm 2018).

Trong số này, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Nhà hàng Việt Nhật đã ngừng hoạt động.

Tính đến 31/12/2018, công ty cũng đang đầu tư góp vốn 3 tỉ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Thuận An, tương đương với tỷ lệ lợi ích và quyền biểu quyết là 12%. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Thuận An có trụ sở chính tại Thừa Thiên Huế với hoạt động kinh doanh chính là kinh doanh khách sạn và dịch vụ du lịch. Khoản đầu tư này đã được trích lập dự phòng toàn bộ.

Đến thời điểm 31/12/2018, công ty ghi nhận khoản thu hồi vốn góp hơn 518 triệu đồng tại Công ty CP Du lịch Thiên Phúc đang chờ giải quyết.

Trong năm, công ty cũng đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty CP Du lịch Mỹ An tới thời điểm 31/3/2018.

BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2018 cũng cho thấy, thu nhập của Tổng giám đốc năm 2018 đạt 823 triệu đồng, tăng 21% so với năm 2017 (gần 679 triệu đồng). Thu nhập của các thành viên khác trong Ban Tổng giám đốc là gần 768 triệu đồng, tăng 6% so với năm 2017 (gần 722 triệu đồng).

Hiện vị trí Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hương Giang thuộc về ông Johnny Cheung Ching Fu, đến từ Hong Kong. Hai đại diện của cổ đông ngoại trong Hội đồng quản trị là ông Yukio Takahashi và ông Go Fujiyama, hai vị trí còn lại trong HĐQT thuộc về Bitexco. Ông Vũ Quang Hội - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco - cũng đã miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Du lịch Hương Giang ngày 7/11/2018 và hiện là thành viên HĐQT. Chức Chủ tịch HĐQT thay vào đó thuộc về ông Yukio Takahashi.

Công ty CP Du lịch Hương Giang có trụ sở tại số 2 đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế, là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1996. Đây là một trong những đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn lớn hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài Khách sạn Hương Giang Resort & Spa 4 sao ở số 51 Lê Lợi, TP. Huế, công ty còn một số công ty trực thuộc như Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang ở số 11 Lê Lợi…

Khánh Hà