|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Livestream bán hàng - 'phao cứu sinh' cho doanh nghiệp và tiểu thương

00:10 | 24/05/2024
Chia sẻ
Hiện nay, sự bùng nổ livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến phần nào thay thế hình thức mua sắm trực tiếp và đem lại nguồn thu lớn trong thời gian ngắn cho các doanh nghiệp và tiểu thương. Đây chính là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp và tiểu thương trong thời kỳ kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Các nhà sáng tạo nội dung giúp bà con nông dân tiêu thụ nhãn lồng và nông sản OCOP trên TikTok. (Ảnh tư liệu: Đinh Văn Nhiều/TTXVN).

Theo các chuyên gia kinh tế, livestream bán hàng đang thực sự trở thành xu hướng tiếp thị hàng đầu về khả năng thực thi và hiệu quả trong ngành thương mại điện tử. Bằng hình thức quay video và phát trực tiếp sản phẩm cần quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram, TikTok hay cả những trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, TikTok shop.

Các doanh nghiệp và tiểu thương đã có thể chốt được hàng trăm đơn hàng trong thời gian livestream, đưa sản phẩm trực tiếp đến với người tiêu dùng không cần qua khâu trung gian, không cần phải thuê cửa hàng... giúp giảm được rất nhiều chi phí.

Chị Kiều Anh, chủ cửa hàng chuyên bán các phụ kiện thời trang cho biết, từ đầu năm 2024, tình hình buôn bán ở chợ rất ế. Sức mua những mặt hàng không thiết yếu như: quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện thời trang… giảm tới 70% so với năm 2023.

Khi livestream bán sản phẩm, khách hàng trực tiếp thấy được đường may mũi chỉ, màu sắc sống động, người thật quần áo cũng thật nên đặt nhiều.

Nhờ vậy, lượng khách đặt hàng từ các tỉnh qua livestream tăng cao. Hình thức livestream giúp chị bán được nhiều hàng hơn, tiếp cận được lượng khách mới nhiều hơn, thay vì chỉ phục vụ khách cũ và ngồi chờ khách tới mua hàng như trước - chị Kiều Anh chia sẻ. 

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Công Nghệ Sông Hương - chuyên kinh doanh thực phẩm chay cho biết, nhờ bán hàng livestream, doanh nghiệp đã chốt được đơn hàng với số lượng ngoài mong đợi, có ngày lên tới gần 800 đơn hàng với doanh thu hơn 46 triệu đồng.

Việc bán livestream đã giúp doanh số bán hàng của công ty qua nền tảng số có lúc chiếm từ 40 - 50% doanh thu.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, doanh nghiệp đã mở kênh bán hàng trên TikTok trong năm vừa qua và doanh số bán hàng đã tăng 2 - 3 lần so với những ngày đầu. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm chỗ đứng ở thị trường nội địa trước bối cảnh xuất khẩu khó khăn. 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, nhận thấy livestream bán hàng sẽ bùng nổ trong cuộc sống hiện đại và là cơ hội giúp cho các chủ thể OCOP của Hà Nội tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng. Hà Nội đã đi đầu trong việc tổ chức sự kiện livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), đặc sản vùng miền trên nền tảng TikTok.

Việc này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, cũng như kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng đối với các chủ thể OCOP.

"Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương; triển khai sáng kiến 'Mỗi nông dân là một thương nhân' nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP; đồng thời, tăng cường liên kết 5 nhà: nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà truyền thông trong phát triển sản phẩm OCOP," ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp KYC cho biết, qua khảo sát, thống kê có 74% người dùng cho rằng, TikTok giúp họ muốn tìm hiểu nhiều hơn về thương hiệu và sản phẩm hơn sau khi xem video; 67% người dùng đánh giá TikTok truyền cảm hứng cho họ mua sản phẩm, kể cả khi họ đang không tìm kiếm về sản phẩm/dịch vụ.

Đặc biệt, tỷ lệ chuyển đổi cao, video ngắn mang nhiều cảm xúc giúp người xem dễ chốt đơn và nhấn vào gian hàng hơn.

Theo các chuyên gia, livestream bán hàng trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển bởi các sàn thương mại điện tử đã vào giai đoạn ổn định, có hệ thống chính sách rõ ràng.

Nếu các doanh nghiệp, tiểu thương biết tận dụng cơ hội, thay đổi tư duy, có chiến lược kinh doanh mới thích nghi với thời cuộc sẽ giúp cho các doanh nghiệp đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên các chợ bán hàng online vẫn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng. Trong khi hàng hóa bán trên chợ online rất phong phú, như: bánh kẹo, rượu, hoa quả, giỏ quà tặng, thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn hay gia vị khô được người bán đăng tải công khai, chào mời với những cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng thực tế người tiêu dùng cũng chỉ mua bán "bằng niềm tin".

Đặc biệt, nhiều mặt hàng được chào bán dưới mác quà quê, đặc sản vùng miền kèm những lời mời chào như: "Tiện chuyến về quê, em gom giò bê Nghệ An hay xúc xích, lạp sườn Sơn La, gà đồi Phú Thọ... hay "Sale mạnh hàng đồ uống phục vụ Tết, bia Bỉ, vang Pháp... giá hợp lý, các bác cứ lấy cả thùng về dùng dần...".  

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, chợ bán hàng online đang phát triển mạnh mẽ thu hút được đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm nhưng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hầu như chưa được quản lý chặt chẽ.

Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đề nghị ngành công thương cần có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online chặt chẽ hơn, qua đó tạo điều kiện cho siêu thị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ.

Chị Đào Thu Thủy, nhân viên Công ty Thương mại xuất nhập khẩu nông sản Nam Bình cho biết, sau một thời gian mua hàng online, chị thấy rằng nhiều người bán hàng thường quảng cáo quá lên so với thực tế, thậm chí còn giao bán với kiểu nhập nhèm câu chữ, tên gọi khiến khách hàng dễ bị hiểu lầm.

Theo chị Thủy, đây chính là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Do vậy, để kinh doanh online thành công cần những chiến lược dài hơi, chuyên nghiệp từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thông tin minh bạch bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ cho chính doanh nghiệp làm cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. 

Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, để kinh doanh trực tuyến nói chung và livestream nói riêng, Việt Thắng Jean đã đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… một cách bài bản.

Có những thời điểm livestream, V-Sixtyfour có thể tiếp cận 500.000 khách hàng. Vì vậy, bên cạnh phần mềm trả lời tự động, doanh nghiệp luôn có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/24 giờ.

Về phía các cơ quan chức năng cũng cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn tiếp cận với bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, hình thức bán hàng trực tuyến livestream, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ công tin, tăng năng lực cạnh tranh của mình…

Nam Giang (TTXVN)