|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ NCB: Mục tiêu tăng vốn gấp đôi lên 11.800 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu về một chữ số trong năm 2023

11:58 | 08/04/2023
Chia sẻ
Ngân hàng cho biết sẽ chào bán tối đa 620 triệu cổ phiếu có thể một hoặc nhiều đợt tùy thuộc tình hình thị trường, việc thương lượng và đàm phán với các nhà đầu tư. Thời gian dự kiến phát hành là trong các năm từ 2023 đến 2025.

 Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông NCB năm 2023. (Ảnh: DB).

Sáng nay (8/4), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông như kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án phân phối lợi nhuận, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn lên gấp đôi và  miễn nhiệm, bầu bổ sung nhân sự Ban Kiểm soát.

Tính đến thời điểm 9h01, số cổ đông tham dự đạt 94 cổ đông, tương đương 93,79% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trong năm 2023, NCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại năm 2023 đạt 16 tỷ đồng, con số thực hiện năm ngoái là 41,2 tỷ đồng. Tổng tài sản ước đạt 94.500 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm trước. Cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng, tăng 20,9% và huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 6,3%.

  Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ NCB.

Trong năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 309 tỷ đồng. Tuy nhiên theo cam kết với NHNN, NCB sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận để trích lập các khoản cần xử lý theo Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, do đó lợi nhuận trước thuế của NCB còn lại 1,2 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết năm 2022 là năm có tốc độ phát triển khách hàng nhanh nhất trong các năm. Tính đến hết năm 2022, quy mô khách hàng đã tăng 97.022 khách hàng, tăng 13% so với 2021; tỷ lệ thẻ tín dụng mở mới tăng 181% so với cùng kỳ. 

Hoạt động cho vay của NCB đã có sự chuyển dịch về cơ cấu theo xu hướng tăng cường phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của KHCN. Dư nợ phân khúc KHCN tăng 7.000 tỷ (tăng 45%) so với năm 2021, đạt trên 22.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chính vào việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng, trang trải cuộc sống của khách hàng, chiếm tỷ trọng khoảng 92% dư nợ KHCN.

Hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) mang lại doanh số 117 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022

Tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ dự trữ thanh khoản duy trì ở mức 24,09%, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn 18,10% (mức trần theo quy định là 34%).

Tăng vốn gấp đôi thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ

NCB cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 5.601,5 tỷ đồng lên 11.801,5 tỷ đồng (tăng 6.200 tỷ đồng) thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ (dưới 100 nhà đầu tư) với quy mô tương đương 111% vốn điều lệ của NCB tại thời điểm chào bán.

Cụ thể, ngân hàng sẽ chào bán tối đa 620 triệu cổ phiếu có thể một hoặc nhiều đợt tùy thuộc tình hình thị trường, việc thương lượng và đàm phán với các nhà đầu tư. Thời gian dự kiến phát hành là trong các năm từ 2023 đến 2025.

Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định số đợt chào bán và số lượng cổ phiếu chào bán trong mỗi đợt phát hành. Giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp.Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tại đại hội, ngân hàng cũng trình cổ đông phương án phân chia lợi nhuận năm 2022, tiếp tục không chia cổ tức, đồng thời bầu bổ sung hai thành viên Ban Kiểm soát là bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Minh Quang.

Phần thảo luận:

 - Nợ xấu qua các năm của NCB tăng cao trong thời gian qua, nợ xấu nhóm 3 - nhóm 5 lên 8.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của NCB vượt 17%. Lý do nợ xấu tăng cao là do đâu?

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Tổng Giám đốc thường trực: Sau tháng 6/2022, việc Thông tư 14 hết hiệu lực và các vụ án lớn trong lĩnh vực BĐS đã khiến cho thị trường BĐS đóng băng làm ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Trong năm 2022, NCB đã thu hồi được 9.000 tỷ đồng cả gốc lãi, đây là con số đáng ghi nhận, cao hơn so với các năm trước. Mặt khác, khả năng khôi phục lại sau đại dịch COVID-19 của các khách hàng yếu hơn nên chuyển thành nợ xấu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB. (Ảnh: NCB).

Mục tiêu chiến lược và trọng tâm trong năm 2023 và hai năm tiếp theo là hoán đổi tài sản không sinh lời, xử lý nợ xấu, các khoản nợ tồn đọng. Các nhóm không còn khả năng trả nợ, triển khai dứt điểm thu giữ, tố tụng và tiến hành bán đấu giá tài sản.

Mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu NPL từ 2 con số xuống 1 con số trong năm 2023 và đến 2025 sẽ đưa về dưới 3% theo, đã đưa vào phương án cơ cấu lại với NHNN. 

- Trong kế hoạch tăng vốn gấp đôi lên 11.800 tỷ đồng, NCB có mục địch sử dụng lượng vốn tăng thêm này ra sao? Ngân hàng đã cho dự kiến gì để đối tác phát hành hay chưa? Tại sao NCB lại chọn phương án tăng vốn là phát hành cổ phiếu riêng lẻ thay vì phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu?

Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương: Mục đích tăng vốn của ngân hàng lên 11.800 tỷ đồng một phần lớn là do kế hoạch trong lộ trình tăng vốn của Đề án tái cơ cấu cũ của ngân hàng đã đề ra và đã được NHNN thông qua. Phương án mới lần này chỉ tăng thêm một phần nhỏ.

Về phương án sử dụng vốn, chúng tôi sẽ dùng 700 tỷ để đầu tư vào mạng lưới, cải thiện các địa điểm kinh doanh; Đầu tư cho công nghệ; Tăng năng lực tài chính theo Thông tư 41 của NHNN, áp dụng các chỉ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Về lý do tại sao tăng vốn lại có lộ trình 3 năm, khoảng thời gian này thực hiện theo đúng lộ trình của Đề án 80 tối đa đến năm 2025. Hy vọng chúng ta có thể chạy nhanh hơn kế hoạch.

Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương trả lời câu hỏi tại ĐHĐCĐ. (Ảnh: NCB).

Việc chọn phương án phát hành riêng lẻ thay vì phát hành cho cổ đông hiện hữu bởi vì phải lựa chọn cổ đông nào sẵn sàng đưa vốn không có lợi nhuận trong 3 năm. Cổ đông hiện hữu có khả năng này không? Trong lần tăng vốn trước đó cơ quan quản lý nhà nước đã quy định số cổ phần phát hành tăng thêm không được chuyển nhượng trong vòng 1 - 2 - 3 năm.

Cùng với đó, ngoài vấn đề về tiền chúng ta cần các cổ đông có năng lực quản trị điều hành để giúp NCB nâng cao cả năng lực tài chính và năng lực điều hành. Đây cũng là yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Yêu cầu các đối tác cần có nguồn vốn lớn, đủ mạnh để đảm bảo được sự đồng hành lâu dài.

Về đối tác, hiện tại NCB đang có hai cổ đông chưa phải cổ đông lớn nhưng cũng không phải nhỏ từ Nhật Bản và Anh. Như trên thực tế các thương vụ M&A của ngành ngân hàng trong thời gian qua, đối tác từ Nhật là những tổ chức có sức bền vốn tốt. Chúng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tìm được đối tác phù hợp với NCB.

- SCB đã khiến tâm lý của người gửi tiền chịu tác động rất lớn, nhất là với những ngân hàng nhỏ. NCB có kế hoạch nào đối phó với tình trạng này?

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Tổng Giám đốc thường trực: Sự cố SCB xảy ra vào tháng 10 năm ngoái, ảnh hưởng dây chuyền xảy ra vào tháng 11, khi đó chúng tôi cũng đặt ra những câu hỏi về các rủi ro về hoạt động.

Trong quý IV/2022 cũng là quý nước rút, NCB đã có sự nỗ lực lớn đưa tổng huy động vốn đã tăng 6.300 tỷ đồng mặc dù lãi suất không còn ở Top 3 thị trường như thời gian trước mà chỉ duy trì vị trí thứ 8,9 trên thị trường.

Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương: HĐQT của NCB luôn đặt vấn đề an toàn thanh khoản lên hàng đầu nhất là sau giai đoạn khủng hoảng trong thời gian vừa qua. NCB đã duy trì được tỷ lệ dự trữ thanh khoản duy trì ở mức 24,09%, cao gấp đôi tỷ lệ quy định của NHNN.

Khi Thông tư 14 hết hiệu lực thì ngân hàng phải thực hiện phân bổ các khoản nợ tái cơ cấu về các nhóm nợ. Đồng thời, hệ luỵ từ việc khó khôi phục sản xuất của các khách hàng sau đại dịch khiến cho nợ xấu tăng. 

Lãi suất huy động năm ngoái tăng 2% trong khi cho vay lại bị nợ quá hạn, ngân hàng không được ghi nhận khoản thu nào từ các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên nên dẫn tới KQKD thấp như vậy. 

- Vào năm 2021, NCB ký hợp tác chiến lược với đối tác, chi tiết về việc thực hiện các cam kết trong hợp tác này như thế nào? Định hướng chiến lược của ngân hàng trong thời gian tới?

Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương: Về việc thực hiện hợp đồng hợp tác toàn diện với đối tác chiến lược. Chúng tôi có ba mục tiêu.

Thứ nhất, huy động tiền gửi từ khách hàng có tình hình tài chính tốt do đối tác giới thiệu (cả KHCN và KHDN), số dư tiền gửi đạt được từ 2.000 - hơn 2.000 tỷ đồng và đều là tiền gửi không kỳ hạn, tăng CASA cho ngân hàng.

Thứ hai về tín dụng, NCB không tiến hành cho vay trung dài hạn mà chỉ tập trung các khoản cho vay ngắn hạn, đồng thời duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn/trung dài hạn ở mức 18%, thấp hơn nhiều so với mức quy định của NHNN (34%).

Thứ ba, tăng trưởng mảng phi tín dụng so với năm trước, mở được LC, thanh toán quốc tế,...

Tất cả hoạt động của NCB đều được ngân hàng báo cáo định kỳ tối thiếu 1 tháng 1 lần tới rất nhiều các đơn vị NHNN, Uỷ ban Giám sát,... trong đó có tất cả thông tin khoản vay có quy mô trên 30 tỷ đồng.

Hiện ngân hàng đã chuẩn bị đề án mới để chuẩn bị trình lên NHNN. NCB đưa ra lộ trình giải quyết trên không chỉ dựa trên tình trạng đề án cũ mà còn bổ sung các tình hình mới nhất hiện tại. Ngân hàng cũng đã thuê đơn vị tư vấn EY để đưa ra khuyến nghị phù hợp cho các giải pháp. 

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua các tờ trình với tỷ lệ nhất trí cao (trên 99%).

Diệp Bình