|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Liên kết - xu hướng tất yếu của ngành cá tra

20:28 | 19/09/2016
Chia sẻ
Liên kết trong tổ chức sản xuất cá tra sẽ giúp giảm rủi ro và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho các bên tham gia, trong đó nông dân nuôi cá riêng lẻ sẽ giảm chi phí sản xuất và được bao tiêu sản phẩm.

Kết quả của việc liên kết này có thể sẽ giúp ngành cá tra giảm được giá thành sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Theo Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ, xuất phát từ mô hình nuôi quy mô hộ gia đình (nông hộ), nhỏ lẻ dạng ao - chuồng và ao cầu, nghề nuôi cá tra đã phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau với các mô hình nuôi và hình thức nuôi quy mô nhỏ, vừa và lớn. Hiện nay, các hình thức tổ chức sản xuất cá tra chính là nông hộ, hợp tác xã, trang trại và công ty.

Sự phát triển của nghề nuôi cá tra gắn liền với sự biến động cung - cầu về các sản phẩm thủy sản, đặc biệt cá thịt trắng trên thế giới cũng như bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, các rào cản về thuế quan và kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.

Hiện trạng nghề nuôi cá tra xuất khẩu

Quá trình phát triển, nuôi cá tra thâm canh quy mô nông hộ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng gặp khó do sự cạnh tranh gay gắt giữa nông hộ và các hình thức sản xuất khác.

Năm 2014, hình thức tổ chức nuôi cá tra là công ty chiếm ưu thế với 59% diện tích, kế đến là nông hộ riêng lẻ (34,5%) và hợp tác xã hoặc tổ hợp tác (5,5%). Trong những năm 2012 - 2013, giá cá tra không ổn định làm cho người nuôi cá tra riêng lẻ bị thua lỗ nên các doanh nghiệp thu mua lại hoặc đầu tư cho hộ nuôi theo hình thức nuôi gia công.

Người nuôi là một trong những mắt xích quan trọng sản xuất ra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Hiện nay, hầu hết nguyên liệu đầu vào cung cấp cho người nuôi cá là các công ty, đại lý chính thức của các công ty thức ăn, thuốc và hóa chất cũng như các trang trại cung cấp con giống.

Như vậy, hiệu quả kỹ thuật và tài chính trong nuôi cá tra phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và giá của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là thức ăn, con giống, thuốc - hóa chất, nguyên - nhiên liệu. Các hình thức tổ chức nuôi cá khác nhau có những biện pháp quản lý và sử dụng nguồn lực (tài nguyên, nhân lực và tài chính) cũng khác nhau.

Quá trình xử lý các mối quan hệ cạnh tranh, hợp tác của từng trường hợp cụ thể trong sự biến động của môi trường sản xuất và kinh doanh khác nhau đem lại hiệu quả khác biệt giữa các hình thức tổ chức sản xuất.

Hiệu quả về kỹ thuật của các hình thức tổ chức sản xuất có sự khác biệt như: hình thức sản xuất nông hộ có hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) thấp nhất (1,5) và cao nhất là công ty (1,7). Mật độ thả giống tại các công ty cao nên đạt năng suất (396 tấn/ha), cao hơn các hình thức hợp tác xã (337 tấn/ha/vụ), nông hộ (307 tấn/ha/vụ) và trang trại (292 tấn/ha/vụ).

Tuy nhiên, giá thành sản xuất không có sự khác biệt giữa các loại hình sản xuất, từ 22.100 - 22.800 đồng/kg. Mặc dù hình thức sản xuất công ty có chi phí thức ăn cao (84% tổng chi phí do FCR cao) nhưng vẫn có lãi trung bình 436 triệu đồng/ha, còn các loại hình khác đều lỗ.

Rủi ro nuôi cá tra thương phẩm hầu hết đến từ sự biến động và thay đổi của các yếu tố liên quan giá bán, lãi suất, giá các yếu tố đầu vào. Mối liên kết trong chuỗi sản xuất luôn thay đổi do giá bán cá tra không ổn định và do các khó khăn về tài chính. Các trang trại quy mô nhỏ và vừa phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn các trang trại quy mô lớn hoặc các trang trại có nhà máy chế biến.

Mức độ rủi ro của nghề sản xuất cá tra càng cao khi thiếu mối liên kết giữa người nuôi riêng lẻ với các nhà máy chế biến xuất khẩu và các đối tác nhập khẩu. Trong trường hợp này, các nhà máy chế biến xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong khâu chế biến, tìm thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi người nuôi nhỏ lẻ, thiếu thông tin và nhiều rủi ro thì thông qua các liên kết dọc, nhóm này có thể giảm được rủi ro đến từ thị trường, giá bán và cải thiện được các hạn chế về tài chính trong việc đầu tư thức ăn, con giống.

Mặc dù lợi nhuận của các hộ nuôi có liên kết thấp hơn các hộ nuôi riêng lẻ nhưng giá bán vẫn ổn định và dễ tiếp cận với nguồn tài chính hơn. Các nhà máy chế biến có liên kết với hộ nuôi cũng được đảm bảo nguồn cung cấp cá nguyên liệu ổn định.

Những năm gần đây, rào cản tại thị trường tiêu thụ ngày càng cao (ASC, BAP, GlobalGAP), điều này càng làm tăng chi phí sản xuất (15,6 triệu đồng/ha/vụ đối với tiêu chuẩn ASC và 14,1 triệu đồng/ha/vụ đối với tiêu chuẩn GlobalGAP). Mặt khác, sự cạnh tranh nội bộ không lành mạnh giữa các công ty nuôi và chế biến cá tra cũng làm giảm giá trị của cá tra Việt Nam.

Các mối liên kết trong sản xuất và kinh doanh cá tra góp phần rất lớn trong việc giảm rủi ro cho các tác nhân trong chuỗi, đặc biệt là người sản xuất cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên, thiếu vài trò quản lý của Nhà nước đối với liên kết nên giá trị pháp lý của các hợp đồng liên kết giữa các bên chưa thực hiện một cách hiệu quả, nhiều trường hợp phá vỡ hợp đồng, gây thiệt hại cho các bên liên quan.

Trong khi phát triển nhanh về diện tích và sản lượng, thiếu liên kết chặt giữa các khâu trong sản xuất (đầu vào và đầu ra) dẫn đến giá bán cá tra nguyên liệu không ổn định.

Liên kết để vực dậy nghề nuôi cá tra

Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, do đặc điểm tự nhiên của ĐBSCL và môi trường sản xuất, kinh doanh cá tra trong và ngoài nước; nhu cầu giảm giá thành sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh; giảm rủi ro trong quá trình sản xuất có nhiều công đoạn riêng lẻ (không liên kết) và sự thiếu hụt về công nghệ cũng như vốn... nên các hình thức tổ chức sản xuất cá tra sẽ phải phát triển theo hướng tập trung tài chính, nhân lực, khoa học kỹ thuật, tài nguyên đất và nước để sản xuất và kinh doanh cá tra với chi phí và rủi ro thấp nhất.

Quá trình này đòi hỏi phải tiếp cận các quy luật sản xuất và kinh doanh của thế giới, do đó, các xu hướng khép kín chuỗi sản xuất và kinh doanh cá tra ngày càng được chấp nhận và ủng hộ của các thành viên tham gia chuỗi giá trị cá tra. Các tổ chức sản xuất và kinh doanh cá tra riêng lẻ sẽ từng bước tạo mối liên kết với các đối tác khác trong chuỗi để đủ khả năng tồn tại và cạnh tranh.

Liên kết trong tổ chức sản xuất cá tra sẽ giảm rủi ro và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho các bên tham gia, trong đó nông dân nuôi cá riêng lẻ sẽ giảm chi phí sản xuất và được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, nuôi và sản xuất cá tra phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ cũng như biến động về giá bán.

Do đó, cần có vai trò của Nhà nước và sự thống nhất giữa các công ty chế biến thủy sản trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa giá trị cá tra Việt Nam. Quá trình liên kết cần tiến tới khép kín về quản lý trong sản xuất và kinh doanh cá tra. Mối liên kết dọc trong nuôi cá tra hiện nay mới chỉ dừng lại ở hình thức liên kết trong nước.

Thế nên cần tổ chức liên kết rộng hơn ở tầm quốc tế, liên kết với nhà nhập khẩu quốc tế; minh bạch về tài chính giữa người sản xuất trong nước và quốc tế nhằm bình ổn về giá cá tra Việt Nam trong thời gian tới.