|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lao động trong khu vực nhận lương tháng trung bình 46 triệu đồng, lao động Việt Nam nhận bao nhiêu?

12:15 | 20/08/2022
Chia sẻ
Theo khảo sát, mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD - khoảng 46,6 triệu đồng) và thế giới (2.114 USD).

Sáng nay (20/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam cung cấp một số số liệu cụ thể về thị trường lao động Việt Nam đã được Manpower khảo sát.

Theo đại diện ManpowerGroup, mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực. (Ảnh: VGP).

Cụ thể, trong bối cảnh thị trường lao động bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, mức độ phù hợp làm việc từ xa của lao động Việt Nam chỉ chiếm hơn 86%, điều này dẫn đến việc khả năng đáp ứng của lao động trong điều kiện làm việc mới khá thấp.

Tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.

Tỷ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn đến sức cạnh tranh cảu lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD  (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD - khoảng hơn 46,6 triệu đồng) và thế giới (2.114 USD - khoảng hơn 49 triệu đồng).

Từ những số liệu trên có thể thấy, lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp.

Cũng theo khảo sát của Manpower, có 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng. 

Đại diện tập đoàn cũng đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đào tạo cần cải tiến một số chương trình, cần có sự kết nối gần giữa doanh nghiệp với các cơ sở đạo tạo để tạo đầu ra cho sinh viên, kết nối sinh viên với doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, doanh nghiệp cần có kế hoạch, chương trình cải thiện tính linh hoạt khi làm việc từ xa của lao động. Thời gian qua lực lượng lao động chưa quen với việc làm việc từ xa và chưa đủ kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ ba, nếu trước kia lương là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút lao động thì hiện tại cần nhiều yếu tố để "giữ chân" lao động như chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng và nhiều chính sách linh hoạt khác. Doanh nghiệp hiểu chính lao động của mình thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và sự phát triển không đồng đều.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhìn nhận Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số "vàng", nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng".

Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.

Vì thế, đại diện VCCI kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ, giúp lao động đáp ứng đúng tiêu chuẩn.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân ủng hộ ý kiến này. Ông góp ý, thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay, nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật.

Ngoài ra, ông kiến nghị nghiên cứu mô hình trả lương linh hoạt cho người lao động. Ví dụ, người lao động có thể ứng trước một khoản lương khi cần để tránh tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen.

Hồng Hà

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.