|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỷ lệ nợ công/ GDP của Việt Nam đang giảm mạnh

14:29 | 19/08/2022
Chia sẻ
Mức nợ công năm 2017 tương đương 61,4% GDP, năm 2018 là 58,3% GDP, năm 2019 còn 55%, năm 2020 là 55,9% và đến năm 2021 tương đương 43,1% GDP.

Theo bản tin nợ công số 14 của Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đang giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP. ​ 

Cùng với đó nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần. 

Cụ thể, mức nợ công năm 2017 tương đương 61,4% GDP, năm 2018 là 58,3% GDP, năm 2019 còn 55%, năm 2020 là 55,9% và đến năm 2021 tương đương 43,1% GDP.

Nợ Chính phủ cũng giảm từ tỷ lệ 51,7% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 còn 39,1% GDP. Nợ Chính phủ bảo lãnh từ 9,1% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 là 3,8% GDP. Nợ chính quyền địa phương năm 2021 vào khoảng 0,6% GDP trong khi năm 2017 bằng 1,1% GDP.

Nợ nước ngoài của quốc gia tính đến hết năm 2021 giảm còn 38,4% GDP so với năm 2017 là 49% GDP.

Tính đến năm 2021, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 6,2 %, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước vào khoảng 21,8%.

Bộ Tài chính cho biết, các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2021 được tính trên cơ sở GDP  năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Đáng chú ý là nợ nước ngoài giảm đi còn nợ trong nước tăng lên, đến hết năm 2021, nợ vay nước ngoài khoảng 1,075 triệu tỷ đồng; nợ vay trong nước tăng lên hơn 2,2 triệu tỷ đồng, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến năm 2021 chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản hơn 316 nghìn tỷ, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 32 nghìn tỷ đồng, 30 nghìn tỷ đồng và 14 nghìn tỷ đồng.

Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách chủ nợ với hơn 380 nghìn tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với hơn 188 nghìn tỷ đồng...

Liên quan đến Chiến lược nợ công đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg tháng 4 vừa qua, một số mục tiêu đáng chú ý như phấn đấu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.

Việc xây dựng Chiến lược nợ công đến năm 2030 kế thừa vai trò tích cực của chính sách quản lý nợ công giai đoạn vừa qua, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước, các cơ quan, tổ chức, các địa phương cần sớm nghiên cứu, quán triệt đầy đủ và đề ra kế hoạch, lộ trình chi tiết đối với từng mục tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng vốn vay nợ công để triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 một cách hiệu quả, thiết thực.

Hồng Hà