Lao động di cư - nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn ở Đông Nam Á
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya nói rằng Chính phủ giờ đây phải tăng cường các biện pháp sàng lọc sau khi có những lời kêu gọi về việc thành lập Quỹ ứng phó với dịch COVID-19 của ASEAN tại một hội nghị trực tuyến của khối này hồi tuần trước.
Theo ông Kasit, Thái Lan phải nói đi đôi với làm. Vì Thủ tướng Thái Lan đã đưa ra ý tưởng đó tại hội nghị, ông nên cung cấp tiền vốn để bắt đầu các dự án. ASEAN có thể (sử dụng tiền đó) để sàng lọc sức khỏe của các lao động di cư tại những điểm kiểm soát.
ASEAN cũng có thể tiến hành các cuộc tuần tra chung dọc những khu vực biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Hội nghị mà ông Kasit đề cập tới là Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 trực tuyến được tổ chức hôm 14/4 mà tại đó các thành viên của ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý trên nguyên tắc thành lập một quỹ chung để chống dịch bệnh.
Ông Kasit nói rằng Chính phủ nên làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Bangkok để cải thiện các cơ sở dữ liệu và đưa ra những biện pháp dành cho lao động di cư ở Thái Lan và nước ngoài. Các nước xuất xứ và nước đến của lao động di cư nên có những biện pháp phù hợp với những tiêu chuẩn nhân quyền.
Trong khi đó, ông Suthad Setboonsarng, người hiện là thành viên của Ban giám đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) và từng là Phó Tổng thư ký Ban Thư ký ASEAN, nói rằng ASEAN nên cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc lương thực cho lao động nước ngoài khi dịch COVID-19 nằm trong vòng kiểm soát.
Theo ông Suthad, điều có thể hiểu được là Thái Lan hiện đang tập trung cứu trợ vào các công dân của nước này trong khi diễn ra dịch COVID-19, nhưng có một lượng lớn lao động di cư ở Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Chính phủ nên có những biện pháp phòng ngừa, nếu không khi các nước mở lại biên giới cho người di cư thì điều đó sẽ mang lại nguy cơ có nhiều lây nhiễm hơn.
Ông Suthad cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể phải có trách nhiệm chung trong việc thành lập các hệ thống để giúp lao động di cư khi mà giờ đây cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chứng tỏ rằng an ninh con người là cơ sở cho nền kinh tế về lâu dài.
Thế giới hậu COVID-19 sẽ chứng kiến một đợt suy thoái và ASEAN nên soạn thảo một lộ trình để tái tạo năng lượng cho hoạt động kinh tế.
Theo ông Suthad, “các thành viên ASEAN có thể sẽ phải ngồi xuống và thảo luận về quá trình hành động nào mà từng ngành sẽ phải áp dụng để tiến lên”.
Đối với Thái Lan, nước này nên rút ra sức mạnh từ các ngành kinh doanh du lịch và dịch vụ và sau đó hiệu chỉnh. Khu vực tư nhân nên đưa ra những đề xuất cho Chính phủ và xem Chính phủ có thể làm việc với những người khác như thế nào.
Ông Suthad cảnh báo rằng rất nhiều nước sẽ có nguy cơ bị mất an ninh lương thực sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ.
Đây một tác động thứ cấp của dịch COVID-19. Do suy giảm kinh tế, sẽ có một lượng lớn những người nghèo khổ phải chịu đói và suy dinh dưỡng.
Theo kế hoạch ứng phó mà các thành viên ASEAN đồng ý trên nguyên tắc, một số khoản tiền sẽ được sử dụng để mua hàng y tế và những khoản ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa sẽ được tái phân bổ cho Quỹ COVID-19.
Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á đã cảnh báo về tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế khu vực trong thông báo chính sách mới được đăng tải. Viện này đưa ra lời khuyên rằng ASEAN nên tăng cường kết nối và mở cửa thương mại và đầu tư.
Cơ quan này cũng nói ASEAN nên áp dụng những tập quán công nghệ mới, như làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến, để giảm tiêu thụ năng lượng cho một tương lai carbon thấp.