|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lao đao vì... bí đao

16:25 | 20/06/2018
Chia sẻ
Đối với người nông dân, điệp khúc "được mùa mất giá" luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất. Vụ này, bí đao được mùa nhưng giá cả rất thấp khiến người nông dân lao đao, xoay xở từng ngày để tìm đầu ra cho lượng bí ứ đọng mỗi ngày một tăng lên.
lao dao vi bi dao Bộ trưởng Công thương: Nay ớt mai có thể bí đao cũng cần giải cứu
lao dao vi bi dao Doanh nghiệp ‘chạy làng’, ngàn tấn bí đao bỏ thối
lao dao vi bi dao Quảng Ngãi: Ớt rớt giá, bí đao, bí đỏ “bí” đầu ra, nông dân khốn khó

Tại Đà Nẵng, nhiều diện tích trồng bí đao đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn còn treo lủng lẳng trên giàn bởi các thương lái không mặn mà trong việc thu mua. Nhiều ngày qua, bà Nguyễn Thị Bảy (47 tuổi, trú thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) phải đôn đáo chạy tìm đầu ra cho 2 sào bí đao đến kỳ thu hoạch. Bà Bảy tâm sự: trồng bí đao tốn rất nhiều công, từ việc làm giàn đến chăm sóc mất hơn 2 tháng mới cho thu hoạch. Cất công chăm sóc, vụ này bí được mùa, quả to, nhưng chỉ có 2 ngàn đồng/1 kg nhưng thương lái cũng không đến mua. "Vụ trước tôi trồng 3 sào, giá dao động từ 6-9 ngàn đồng/1 kg, thu được 25 triệu đồng. Còn vụ này giá quá thấp, thương lái không đến mua nên tôi phải chở ra chợ Tuý Loan bán nhưng rất chậm, mỗi buổi sáng chỉ bán được 10-15 quả"-bà Bảy phân trần.

lao dao vi bi dao

Bí đã đến kỳ thu hoạch nhưng sức mua chậm nên vẫn còn treo lủng lẳng trên giàn.

Còn ông Trần Văn Siêng (63 tuổi) canh tác 2 sào bí đao trên vùng rau sạch Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương), do giá thấp nên cũng ít quan tâm đến bí, chủ yếu đầu tư chăm sóc khổ qua, dưa leo.... "Trồng trọt vất vả, ngày đêm chăm sóc mong sao cây tươi tốt, quả nhiều nhưng đến kỳ khu hoạch lại lo lắng về giá cả. Vụ này bí đao được mùa nhưng giá thấp quá, mong sao lấy lại tiền phân, giống là mừng lắm rồi"-ông Siêng tâm sự. Cùng cảnh ngộ, hàng chục tấn bí đao ở khu vực Bầu Tròn (xã Đại An, H. Đại Lộc, Quảng Nam) và bãi bồi Bà Mau ven sông Thu Bồn (xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam) lâm vào cảnh ứ đọng, bí nằm la liệt trên mặt đất. Vụ này, xã Cẩm Kim có hơn 20 hộ ở thôn Phước Thắng và Trung Hà trồng hơn 5ha bí đao. Vì tiếc của, người dân cố gắng vớt vát, thu gom bí cất vào kho chờ giá lên nhưng thời gian để lâu kết hợp với thời tiết nắng nóng bí bị thối rất nhiều. Ông Nguyễn Hùng (55 tuổi, trú Cẩm Kim) tâm sự: "Thương lái thu mua với số lượng nhỏ, còn lại tôi hái những quả to, đẹp mang về cất để chờ giá lên sẽ bán dần. Vụ trước bí được giá, tôi phải thuê 2-3 người hái bí, nhưng mùa này giá thấp bán không đủ trả tiền công nên chỉ 2 vợ chồng tôi hái. Tiền phân, giống, công cán... thì vụ này coi như lỗ nặng. Bây giờ chỉ biết mong các ngành chức năng có cách gì để giải cứu bớt lượng bí tồn đọng giúp người dân"- ông Hùng bộc bạch.

lao dao vi bi dao

Thời gian để lâu kết hợp thời tiết nắng nóng đã làm bí bị thối lủn.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân bí đao rớt giá là do cung vượt quá cầu. Thời điểm này là vụ mùa, điều kiện thuận lợi nên bí đạt năng suất cao. Như vụ trước vào tháng 8, ít người trồng nên giá bí rất cao, dao động từ 6-9 ngàn đồng/1 kg, cuối vụ lên đến 10 ngàn đồng/1 kg không có hàng để mua. Đồng thời, vụ này các thương lái miền bắc không thu mua nên dẫn đến ứ đọng. Hiện tại thương lái thu thua bí đao loại 1 tại vườn với giá 2 ngàn đồng/1 kg về bán lẻ 3-3,5 ngàn đồng/1 kg nhưng vẫn không chạy, lượng bí ứ đọng hư hỏng rất nhiều. Ông Lê Trung Tấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Kim, cho biết: "Hiện nay, giá bí đao thấp khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Trước đó, hội cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng sang một số loại cây trồng khác hiệu quả hơn vì sợ rủi ro thất thu sẽ cao. Thấy cảnh bí nằm la liệt như vậy chúng tôi rất xót, nhưng hiện tại không biết làm thế nào để giúp bà con nông dân xoay xở nhằm vớt vát lại ít vốn đã bỏ ra".

Xem thêm

Lê Vương