|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo Vinaconex nói về định hướng phát triển trong ngành xây dựng và bất động sản

08:06 | 24/12/2020
Chia sẻ
Lãnh đạo Vinaconex chia sẻ, Vinaconex vẫn có nhiều lợi thế ở lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông có vốn đầu tư công. Song, trong bối cảnh khó khăn chung hiện tại, công ty chỉ đặt mục tiêu duy trì biên lợi nhuận bình quân của mảng xây dựng dân dụng và công nghiệp từ 3 - 5%.

Sẽ đẩy mạnh tỷ trọng hai mảng xây dựng và BĐS trong 5 năm tới lên 70 - 80% trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận

Tại buổi roadshow do Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã: VCG) và CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) tổ chức vào chiều ngày 23/12, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lợi thế của Vinaconex so với những doanh nghiệp đầu ngành xây dựng.

Theo Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh, nếu xét riêng mảng thầu xây dựng, các dự án Vinaconex tham gia trải dài đất nước hơn và công ty sở hữu lực lượng lao động có thâm niên đấu thầu trong lĩnh vực đấu thầu công trình hạ tầng lớn như đường cao tốc. Vài tháng vừa qua, Vinaconex trúng nhiều gói thầu lớn, nâng giá trị các gói thầu trúng trong năm 2020 lên khoảng 10.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vinaconex cho biết, trong thời điểm này, tất cả doanh nghiệp xây dựng đều khó khăn và kéo theo ảnh hướng rất nhiều đến lợi nhuận.

Trước đây, Vinaconex chỉ là nhà thầu quản lý, tức công ty ký tổng thầu xong giao cho công ty con thực hiện và hưởng phần lợi nhuận được chia. Còn ở hiện tại, công ty đã triển khai công trình riêng và quản lý trực tiếp.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, biên lợi nhuận bình quân của mảng xây dựng dân dụng và công nghiệp của công ty vào khoảng 3 - 5%, chỉ riêng những công trình thực sự tốt thì mới đạt 8 - 12%.

Tổng Giám đốc Vinaconex chia sẻ thêm: "Vinaconex hoàn toàn khác với những doanh nghiệp xây dựng đầu ngành vì chúng tôi không chỉ đơn thuần là nhà thầu.

Vinaconex chú trọng phát triển thương hiệu và đầu tư BĐS bằng năng lực của chúng tôi. Dự án nhà máy thủy điện hay những nhà máy khác trong danh mục đầu tư của chúng tôi đều liên quan đến xây dựng".

Theo định hướng của Vinaconex, công ty sẽ đẩy mạnh tỷ trọng hai mảng xây dựng và BĐS trong 5 năm tới lên 70 - 80% trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, phần còn lại được đóng góp từ mảng tài chính, thay vì mảng xây lắp chiếm tỷ trọng 60 - 70% như hiện nay.

Mặt khác, lãnh đạo Vinaconex cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn còn thua kém và đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng bởi điều này ảnh hưởng đến giá thành xây dựng.

"Thực trạng cách đây 2 - 3 năm, nếu Vinaconex đi đấu thầu, doanh nghiệp khác bỏ thầu cao hơn 10 - 15% vẫn trúng thầu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi khẳng định tỷ lệ này tối đa 2 -3 %", Tổng Giám đốc Vinaconex cho hay.

Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng dân dụng ở mảng đô thị nhà ở và nghỉ dưỡng, Vinaconex còn thi công cả những nhà máy lớn (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu Long Sơn, nhà máy xi măng,…).

Ông Nguyễn Xuân Đông cũng tự tin cho rằng, Vinaconex có quan hệ rất tốt với các nhà xưởng công nghiệp của nhà đầu tư FDI như Foxconn, BMW,…

Ngoài ra, Vinaconex có lợi thế ở những dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công. Công ty vừa trúng thầu 5.500 tỷ đồng tại dự án Cao tốc Bắc Nam, sắp được phê duyệt gói Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 trị giá hơn 2.200 tỷ đồng và chuẩn bị khởi công cầu Vĩnh Tuy.

Tiếp tục xem xét thoái vốn tại công ty con

Khi được hỏi về lộ trình thoái vốn của Vinaconex tại các công ty con, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông, chia sẻ Vinaconex sẽ chào mua công khai để tăng tỷ lệ sở hữu và phát triển những doanh nghiệp có thế mạnh, nòng cốt, mang đến động lực phát triển.

Còn lại, Vinaconex sẽ tái cơ cấu mạnh trong năm 2021. Ông Đông lấy ví dụ như trường hợp mới đây, Vinaconex đã thỏa thuận bán 35% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 (NEDI2, Mã: ND2) cho Toyota Tsusho Corporation (TTC) với giá tốt.

"Chúng tôi không cần giữ quá nhiều công ty con ở lĩnh vực xây dựng. Một số công ty đầu ngành không có công ty con vẫn đạt doanh thu 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

Nếu chúng tôi đầu tư 200 tỷ đồng vào một công ty và nắm 51% - 55% vốn để điều hành nhưng cổ tức nhận về không bằng tiền lãi gửi ngân hàng thì không nên giữ làm gì.

Chia sẻ thêm, Vinaconex có 30 năm nằm trong hệ thống Nhà nước, chúng tôi rất vất vả và cố gắng để thay đổi quan điểm, tư tưởng làm việc của toàn bộ nhân sự để đúng với tính chất thương trường.

Bây giờ công ty mẹ chúng tôi trực tiếp thi công lại cạnh tranh với công ty con. Rất đau lòng khi công ty mẹ phải tranh thầu với công ty con chỉ 3 - 5%.

Điều này khiến chúng tôi phải xem xét lại những công ty con lại làm việc trì trệ. Công ty con rất nhiều nhưng sức mạnh không có, chỉ tạo về quy mô chứ không có lợi nhuận", Nguyễn Xuân Đông cho biết.

Nguyên Ngọc