|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lãnh đạo MoMo lần đầu lên tiếng về lý do nói không với các thị trường nước ngoài dù đã thành kỳ lân

09:00 | 29/01/2022
Chia sẻ
MoMo là startup Fintech có định giá cao nhất Việt Nam song hoàn toàn chưa có kế hoạch kinh doanh ở các thị trường bên ngoài Việt Nam.

Cuối tháng 12 năm ngoái, M_Services JSC, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo, công bố gọi vốn thành công 200 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư do Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) dẫn dắt ở định giá 2 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc MoMo chính thức trở thành startup kỳ lân tiếp theo của Việt Nam, theo Bloomberg.

Vì sao 'kỳ lân' mới của Việt Nam MoMo chưa muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài? - Ảnh 1.

Việt Nam đang có trên dưới 40 ví điện tử hoạt động, theo báo cáo của Nextrans. (Ảnh: Nikkei).

Thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT & Co-CEO, cho biết chưa có kế hoạch thực hiện IPO trong vài năm tới và thay vào đó sẽ tập trung cải thiện vị thế trên thị trường và sản phẩm. 

MoMo lên kế hoạch sử dụng số vốn mới để mở rộng ra các khu vực nông thôn, bắt đầu bằng các dịch vụ như thanh toán hoá đơn. Bên cạnh đó, startup này cũng sẽ tận dụng số vốn mới để đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy hoạt động thâu tóm và sáp nhập đồng thời hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đáng chú ý, MoMo chưa từng nhắc đến các kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của mình. Mới đây, bên lề buổi ra mắt hội đồng AI của MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch MoMo, đã có những chia sẻ với Forbes Việt Nam về lý do MoMo chưa có ý định mở rộng hoạt động ra bên ngoài Việt Nam.

Lý do đầu tiên mà ông Diệp đưa ra là các rào cản về pháp lý. Theo đó, tài chính là lĩnh vực chịu sự quản lý gắt gao và mỗi quốc gia lại có các quy định về việc cấp giấy phép hoạt động khác nhau. 

Bên cạnh đó, ông Diệp thừa nhận mỗi thị trường lại có các đặc điểm riêng ở lĩnh vực trung gian thanh toán mà MoMo đang hoạt động. Vì vậy, ngay cả các công ty lớn cũng có thể sẽ gặp khó khăn ở các thị trường bên ngoài, bất chấp thành công và kinh nghiệm triển khai kinh doanh ở thị trường ban đầu.

Lý do cuối cùng của ông Diệp là việc MoMo nhận thấy vẫn còn nhiều cơ hội kinh doanh và khai thác sâu ở thị trường nội địa.

MoMo bắt đầu như một ứng dụng thẻ SIM vào năm 2010. Nó cho phép người dùng chuyển tiền, nạp tiền điện thoại và thẻ cào chơi game. Đến năm 2014, MoMo bắt đầu cung cấp dịch vụ ví điện tử và sau đó mở rộng sang mục tiêu "siêu ứng dụng" cung cấp đa dạng các dịch vụ như xử lý thanh toán bảo hiểm, quyên góp và đầu tư.

Trong năm 2021, số lượng người dùng đăng ký của MoMo tăng lên mốc 31 triệu từ con số 23 triệu của năm 2020 trong bối cảnh người dùng và các nhà bán hàng có xu hướng chuyển dịch lên các kênh số do đại dịch COVID-19.

Vì sao 'kỳ lân' mới của Việt Nam MoMo chưa muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài? - Ảnh 2.

Tỷ trọng giá trị đầu tư mảng fintech của 6 quốc gia Đông Nam Á trong năm 2021. Singapore vẫn dẫn đầu với tỷ trọng 44%, theo sau là Indonesia (26%) và Việt Nam (10%). (Nguồn: Nextrans, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Số lượng dân số chưa tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ ngân hàng cao và tỷ lệ người dùng internet tăng trưởng mạnh biến Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành một "sân chơi" được quan tâm cho các startup fintech (công nghệ tài chính). Theo báo cáo của Nextrans, trong năm 2021, các startup fintech Đông Nam Á đã thực hiện thành công 167 thương vụ đầu tư với tổng quy mô tối thiểu 3,5 tỷ USD.

Vì sao 'kỳ lân' mới của Việt Nam MoMo chưa muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài? - Ảnh 3.

Tỷ trọng số lượng thương vụ đầu tư đầu tư mảng fintech của 6 quốc gia Đông Nam Á trong năm 2021. (Nguồn: Nextrans, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Trong số các startup Fintech đáng chú ý của năm 2021 nổi lên hai cái tên đến từ Việt Nam là MoMo và VNPay với định giá lần lượt là 2 tỷ USD và 1 tỷ USD. Thành tích gọi vốn của MoMo và VNPay khiến Việt Nam vươn lên xếp thứ 3 trong số các thị trường gọi thành công nhiều vốn nhất Đông Nam Á ở mảng Fintech (với tỷ trọng 11%). Xét về số lượng thương vụ, Việt Nam xếp ở vị trí số 4 trong khu vực với tỷ trọng 9%.

Nếu như vào năm 2015, thị trường Việt Nam chỉ có 39 công ty khởi nghiệp mảng Fintech. Con số này vào năm 2021 đã tăng lên hơn 150 công ty. Dù vậy, con số này vẫn là rất khiêm tốn khi so sánh với quy mô thị trường khác trong khu vực.

Ví dụ như Singapore (hơn 1.150 công ty fintech), Indonesia (hơn 510 công ty fintech) hay Malaysia (hơn 370 công ty fintech). Xét riêng trong lĩnh vực ví điện tử, thị trường Việt Nam đang có trên dưới 40 ví điện tử cạnh tranh.

Nam Khánh