|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo Hòa Phát đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HPG

15:35 | 15/02/2022
Chia sẻ
Một Thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Phát dự kiến giảm sở hữu còn gần 83,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1,87% vốn điều lệ.
Lãnh đạo Hòa Phát đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HPG, dự thu 46 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hòa Phát, từ trái qua phải: ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Trần Tuấn Dương, ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, và ông Hoàng Quang Việt. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo tin từ Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Quang vừa đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 18/2 đến 19/3. Mục đích bán ra là "phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân". Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận

Dự kiến sau giao dịch, ông Quang sẽ giảm sở hữu tại Tập đoàn Hòa Phát còn gần 83,7 triệu đơn vị HPG, tương đương 1,87% vốn điều lệ.

Kết phiên hôm nay 15/2, giá cổ phiếu HPG dừng ở 46.000 đồng/cp, tức là ông Nguyễn Ngọc Quang có thể thu về khoảng 46 tỷ đồng. Anh trai, chị dâu và vợ của ông Quang cũng đang nắm giữ tổng cộng gần 1,9 triệu cổ phiếu HPG.

So với đỉnh 58.000 đồng/cp thiết lập hôm 28/10 năm ngoái, giá cổ phiếu HPG hiện nay đang thấp hơn khoảng 20%. Như thể hiện trong hình dưới đây, nhiều cổ phiếu thép khác cũng đang cách xa đỉnh lịch sử.

Lãnh đạo Hòa Phát đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HPG, dự thu 46 tỷ đồng - Ảnh 2.

Triển vọng năm 2022 của Hòa Phát ra sao?

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI ước tính Hòa Phát sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định về sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) do nhu cầu trong nước phục hồi khoảng 8 -10% so với mức thấp năm 2021. 

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có thể tăng 17% lên 4,6 triệu tấn, nhờ tập đoàn giành được thị phần lớn hơn. Trong ba năm qua kể từ khi Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát đã liên tục gia tăng thị phần thép xây dựng. 

Lãnh đạo Hòa Phát đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HPG, dự thu 46 tỷ đồng - Ảnh 3.

Sản lượng HRC có thể tăng 16% so với năm ngoái lên mức 3 triệu tấn do nhu cầu trong nước phục hồi. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ phôi thép có khả năng giảm 16% còn 1,1 triệu tấn do giới hạn công suất, SSI nhận định. 

Do lò cao của Hòa Phát hoạt động với hiệu suất cao khoảng 95% trong nửa cuối năm 2021 nên tổng sản lượng thép thô sản xuất có thể tăng với tốc độ 11% trong năm 2022. Như thể hiện trong hình dưới đây, Hòa Phát đã tiêu thụ 631.000 tấn sản phẩm thép các loại trong tháng 1, tăng hơn 9% so với cùng kỳ 2021. Con số tiêu thụ kỷ lục trong một tháng là hơn 1 triệu tấn.

Lãnh đạo Hòa Phát đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HPG, dự thu 46 tỷ đồng - Ảnh 5.

SSI dự báo giá bán thép xây dựng và giá HRC trung bình của Hòa Phát trong năm nay sẽ giảm lần lượt 2,5% và 5% so với năm trước. Giá quặng sắt được giả định giảm 20% xuống còn 124 USD/tấn, nhưng giá than có thể tăng 68% lên 320 USD/tấn. 

Do đó, SSI ước tính biên lợi nhuận ròng sẽ giảm từ 23% trong năm 2021 xuống còn 18,8% trong năm 2022. Doanh thu dự kiến 164.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 31.000 tỷ, lần lượt tăng 9,8% và giảm 10,3% so với năm ngoái.

Lãnh đạo Hòa Phát đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HPG, dự thu 46 tỷ đồng - Ảnh 6.

Hòa Phát đang chuẩn bị khởi công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 85.000 tỷ đồng.

Dự kiến sau khi Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2024, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.

Song Ngọc