|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát bán thép xây dựng nhiều gấp đôi cùng kỳ, kín đơn hàng đến hết tháng 4

09:56 | 11/02/2022
Chia sẻ
Tháng 1 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng đáng kể so với cùng kỳ 2021.
Hòa Phát vừa bán 382.000 tấn thép xây dựng, gấp đôi cùng kỳ - Ảnh 1.

Thép xây dựng được sản xuất tại Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Hòa Phát).

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết trong tháng 1 vừa qua, doanh nghiệp này đã sản xuất 707.000 tấn thép thô, tăng 5% so với cùng kỳ. 

Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn cán nóng đạt 631.000 tấn. Trong đó, thép xây dựng chiếm 382.000 tấn, gấp hơn hai lần tháng 1/2021. Thép cuộn cán nóng (HRC) cũng ghi nhận mức sản lượng cao với 228.000 tấn. 

Bước sang đầu tháng 2 này, Hòa Phát đã ký hợp đồng xuất khẩu 35.000 tấn HRC sang châu Âu, nhiều hơn lượng xuất khẩu HRC của cả năm 2021.

Trong tháng đầu 2022, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát tăng mạnh tại thị trường nội địa do nhu cầu xây dựng dân dụng và các dự án trước Tết Nhâm Dần lên cao. Khu vực miền Nam, miền Trung có sự tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt gấp hai và gấp ba lần so với cùng kỳ.

Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng trong tháng qua đạt 116.000 tấn, gấp ba lần tháng 1/2021. Thị trường xuất khẩu chính gồm Singapore, Hong Kong, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia.

Hòa Phát vừa bán 382.000 tấn thép xây dựng, gấp đôi cùng kỳ - Ảnh 3.

Tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát tháng 1/2022 gấp hơn hai lần tháng 1/2021.

Theo ông Kiều Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, nhu cầu thép các tháng tới trên thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn cao. Công ty đã nhận tối đa đơn hàng xuất khẩu cho các nhà máy tại Hải Dương và Dung Quất (Quảng Ngãi) cho đến tháng 4. Các nhà máy phải luôn hoạt động hết công suất để đủ hàng giao cho khách.

Đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), nhu cầu của thị trường càng cao. Mỗi tháng khách hàng nội địa chào mua trên 300.000 tấn HRC nhưng Hòa Phát cho biết chỉ có thể đáp ứng khoảng 250.000 tấn. Trên thế giới, các doanh nghiệp từ Mỹ, Canada, Mexico, Italy, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, ... muốn đặt hàng nhưng Hòa Phát không sản xuất kịp.

Tiêu thụ tôn mạ - sản phẩm hạ nguồn HRC - cũng ghi nhận tăng trưởng 68% so với tháng 1 năm ngoái.

Công suất thép thô của Hòa Phát hiện nay là hơn 8 triệu tấn/năm, trong đó có 5 triệu tấn thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm. Tập đoàn Hòa Phát đang chuẩn bị triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn/năm, trong đó tập trung vào HRC với công suất 4,6 triệu tấn/năm. 

Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2025, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.

Hiện nay Hòa Phát đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Theo biểu đồ dưới đây, trong năm 2021 vừa qua, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long chiếm gần 1/3 lượng thép xây dựng tiêu thụ toàn thị trường.

Hòa Phát vừa bán 382.000 tấn thép xây dựng, gấp đôi cùng kỳ - Ảnh 4.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.