|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh

15:16 | 23/04/2020
Chia sẻ
Theo nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius, các công ty trên thế giới sẽ điều chỉnh chuỗi cung ứng để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc sau bài học về COVID-19.
Làn sóng chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh - Ảnh 1.

Ông Mark Mobius.

Trao đổi trên chương trình “Street Signs Europe” của CNBC vào ngày thứ Ba (21/4), ông Mobius, nhà sáng lập của Mobius Capital Partners, cho biết, đại dịch đã khiến các doanh nghiệp nghĩ lại về chuỗi cung ứng, vì họ muốn giảm thiểu cú sốc nguồn cung khi những sự kiện tương tự như COVID-19 xảy ra.

“Nhiều người mua và nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đang suy nghĩ lại và bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng càng nhiều càng tốt và chuyển sang gần với quê nhà”, ông nói. 

“Thế nhưng, xét cho cùng, tôi nghĩ sẽ có sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang những nơi như Việt Nam, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là Brazil. Vì vậy, các công ty này có thể có chuỗi cung ứng được đa dạng hóa cao hơn”.

Trao đổi với CNBC trong ngày thứ Hai (20/4), nhà phân tích độc lập Fraser Howie cũng cho biết các chính quyền sẽ xem xét giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng lưu ý rằng “Trung Quốc sẽ không đời nào ngó lơ chuyện đó”.

Trong khi đó, tuần trước, ông Richard Martin của IMA Asia cho biết các nhà sản xuất ở nhiều lĩnh vực đã bắt đầu chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc trước khi COVID-19 bùng nổ, và đại dịch còn đẩy nhanh quá trình đó hơn nữa.

Nhiều lĩnh vực, như dược phẩm, nông nghiệp và năng lượng, chịu nhiều áp lực giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, khi họ phụ thuộc vào các nền kinh tế như Trung Quốc và giới hạn về logistics quốc tế đã gây áp lực lên chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, giá dầu WTI rớt mạnh khi đại dịch COVID-19 tạo tình trạng dư cung trên toàn cầu, đáng chú ý có lúc hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 rơi xuống phạm vi âm lần đầu tiên trong lịch sử.

Ông Mobius nói với CNBC trong ngày thứ Ba (21/4) rằng nhiều thị trường mới nổi sẽ hưởng lợi từ đà giảm của giá dầu. “Giá dầu giảm là thông tin tuyệt vời dành cho Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia nhập khẩu dầu”, ông nói.

Các nhà sản xuất hàng công nghệ tháo chạy khỏi Trung Quốc

Tuần này, Wistron - một trong những đối tác sản xuất hàng cho Apple - cho biết sẽ chuyển 50% công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong vòng 1 năm. Khi đại dịch COVID-19 phơi bày sự dại dột của chiến lược “bỏ tất cả trứng vào một rổ”, các nhà sản xuất buộc phải thay đổi chiến lược và tuyên bố của Wistron là một ví dụ điển hình cho điều đó.

Quyết định của các công ty như Wistron và những đối tác khác của Apple như Hon Hai Precision Industry Co., Inventec Corp. và Pegatron Corp. có thể định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ.

Làn sóng chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh - Ảnh 2.

 

Wistron (công ty niêm yết tại Đài Bắc) nhắm tới Ấn Độ - nơi họ đang sản xuất một phần iPhone - cùng với Việt Nam và Mexico, dành ra 1 tỉ USD cho chiến lược mở rộng sản xuất trong năm nay và năm tới.

“Từ nhiều thông điệp của khách hàng, chúng tôi biết họ tin đây là điều chúng tôi buộc phải làm”, Chủ tịch Wistron, Simon Lin cho biết. “Họ cảm thấy hài lòng và đánh giá khi chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và họ sẽ tiếp tục làm ăn với chúng tôi”.

Nhà lắp ráp iPhone Pegatron cũng đang đa dạng hóa cơ sở sản xuất, bao gồm việc gia tăng sản xuất ở quê nhà tại Đài Loan. Trong ngày thứ Năm (26/3), Giám đốc Điều hành Liao Syh-jang cho biết, Công ty hy vọng khởi động hoạt động sản xuất tại Việt Nam vào năm 2021 sau khi thiết lập một nhà máy ở Indonesia trong năm 2019. Bên cạnh đó, họ tiếp tục xem xét Ấn Độ để mở các cơ sở mới. Trong ngày thứ Sáu (27/3), họ đồng ý mua đất và một nhà máy ở phía Bắc Đài Loan.

Hôm thứ Ba (24.3), Inventec, đối tác lắp ráp AirPod chính của Apple, cho hay họ đang chuẩn bị xây dựng cơ sở ở Việt Nam.

Hơn bất kỳ nhà lắp ráp nào khác, Hon Hai (hay Foxconn) đã tận mắt nhận thấy cách COVID-19 khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chững lại. Foxconn tiên đoán từ trước về khả năng thay đổi trong mô hình sản xuất toàn cầu - vốn đã chi phối ngành thiết bị điện tử trong hơn 30 năm qua. 

Công ty cũng có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam, cơ sở tại Ấn Độ đã bắt đầu sản xuất iPhone từ năm 2019. “Thương mại, COVID-19 sẽ tạo ra một thế giới rất khác trong thập niên tới”, ông Alex Yang, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư (IR) của Foxconn, cho biết.


Thiên Vân

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.