Lần đầu tiên trong hơn hai năm, tiền gửi của dân cư quay đầu giảm
Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, số dư tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 1 đạt 13,17 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 200.000 tỷ đồng so với tháng liền trước. Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 34.673 tỷ đồng so với tháng 12/2023, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế (TCKT) đạt gần 6,68 triệu tỷ đồng, giảm 165.190 tỷ đồng.
Như vậy, tháng 1/2024 đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021 mà số dư tiền gửi của dân cư giảm so với tháng liền trước. Đây cũng là lần đầu tiên sau ba tháng số dư tiền gửi của TCKT đi xuống.
Diễn biến giảm của số dư tiền gửi dân cư trái ngược với xu hướng thông thường trong lịch sử. Thông thường, số dư tiền gửi sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng đầu năm và có thể giảm nhẹ vào một số thời điểm trong năm, thường là hai quý cuối.
Tuy nhiên, ngay tháng 1/2024, tiền gửi của cả dân cư vào TCKT đều đã đi xuống. Diễn biến này trùng khớp với xu hướng chạm đáy của lãi suất tiết kiệm trong những tháng đầu năm 2024.
Theo công bố mới đây của NHNN, dựa trên báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Còn theo dữ liệu từ WiChart, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh (nhận nhiều tiền gửi nhất) đang ở mức 4,68%/năm, giảm đáng kể so với mức 7,4%/năm ghi nhận vào đầu năm ngoái. Lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP lớn cũng đã giảm từ 8,38%/năm vào đầu năm 2023 xuống 4,45%/năm.
Tuy nhiên, kể từ giữa quý I/2024 một số ngân hàng thuộc nhóm cổ phần đã bắt đầu có động thái nâng lãi suất tiết kiệm. Hiện tại, mặt bằng lãi suất bình quân đã nhích nhẹ lên so với mức đáy ghi nhận vào cuối tháng 3/2024.
Ngoài việc lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục, một số nguyên nhân khác có thể giải thích cho việc tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế đi xuống là nhu cầu chi tiêu vào dịp Tết Nguyên đán, các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn như vàng, chứng khoán hay thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên.