Làm việc ở Tesla: Độc hại, bóc lột, Elon Musk như hung thần
Tỉ phú Elon Musk công khai hút cần, cổ phiếu Tesla rớt 9% |
Làm việc quá giờ, môi trường căng thẳng, không được đi vệ sinh là những gì mà nhân viên tại Tesla phải hứng chịu dưới quyền Elon Musk.
Ngày 18/9, Elon Musk công bố danh sách những khách hàng đầu tiên lên mặt trăng của SpaceX. Vị tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa, nhà sáng lập hãng bán lẻ nổi tiếng Zozo sẽ là một trong những người nổi tiếng du hành trên chiếc Big Falcon Rocket cùng Elon Musk chạm đến ước mơ chinh phục "thiên đường".
Đối với CEO Tesla & Space X, mặt trăng nói riêng và vũ trụ nói chung là "ngưỡng cửa thiên đường" mà Elon Musk hằng mơ ước. Nhưng, trái ngược với ý tưởng vĩ đại của Musk và niềm vui ở Space X, nhân viên của Tesla lại cảm thấy như đang sống ở địa ngục.
Đại bản doanh của Tesla là công xưởng Fremont, rộng 5,3 triệu feet vuông (khoảng 500.000 mét vuông). Đây là nơi Elon Musk xuất xưởng chiếc xe điện tự hành đầu tiên trên thế giới. Với quy mô 10.000 nhân công, ít ai biết rằng môi trường làm việc tại khu đại công xưởng này hoàn toàn độc hại. Đối với Elon, nơi đây trở thành lãnh địa riêng, nơi ông tự tung tự tác.
"Elon Musk mặc kệ tất cả, thích làm gì thì làm, bất kì lúc nào", một nhân viên giấu tên chia sẻ.
Dưới quyền Elon Musk, có cả một đội ngũ nhân viên thân tín luôn tin tưởng vào cấp trên. Cho dù công việc tưởng chừng như bất khả thi, chỉ cần Elon đích thân ra lệnh, mọi việc sẽ đâu vào đó. Elon đã hiện thực hóa giấc mơ xe điện tự lái, bất chấp những lời chỉ trích và tranh cãi. Nhân viên vâng lời Elon Musk như "con nghiện", theo Bussiness Insider.
"Điều tôi yêu thích nhất ở công việc này là biến thứ không thể thành có thể", Marco Batra, người từng làm việc 6 năm tại Tesla chia sẻ.
Hiển nhiên, mục tiêu mà Tesla hướng tới đều mang tính cấp tiến và hiện đại. Những mỹ từ như chữa lành địa cầu, khai thác năng lượng mặt trời, xây dựng thế giới mới thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng về tập đoàn. Nhưng, mọi người đều không ngờ rằng họ sẽ gắn đời mình trong môi trường làm việc độc hại nhường nào.
"Tại Tesla, chúng tôi là những người nắm giữ tương lai và tạo nên lịch sử", Branton Phillips, phụ trách dây chuyền sản xuất tại Tesla nói.
Jonathan Galescu, nhân viên bộ phận Tesla Model X bắt đầu ca làm đầu tiên vào 5h 50 chiều và làm việc suốt 12 tiếng.
Tại đại công xưởng Fremont, hơn 2.400 nhân viên xếp thành hàng dài trước cửa những phòng tắm nhỏ bé. Theo phản ánh của nhân viên Tesla, bồn cầu tại đây luôn trong tình trạng quá tải, đến nỗi chất thải thường không được xử lý. Không những thế, nhà ăn lúc nào cũng hoạt động hết công suất, chỗ ngồi và thức ăn còn không được cung cấp đủ.
Ở Tesla, nhân viên mới chỉ cần đào tạo trong vòng vài phút. Sau đó, họ bị ném đi khắp các bộ phận sản xuất nặng nề nhất. Đối với một bộ phận nhân viên khác, họ chỉ tập trung vào công việc, mặc kệ môi trường đày đọa.
"Làm việc ở đây, bạn được gặp đủ loại người có cùng đam mê, ham muốn thăng tiến. Đây là một loại động lực thúc đẩy năng suất công việc", Stewart, nhân viên Tesla chia sẻ.
Theo Guardian, những lời ca thán từ nhân viên Tesla về môi trường làm việc độc hại được lan truyền trên khắp các tờ báo, nhưng hoàn toàn không có một động thái sửa chữa nào từ ban quản trị.
Tờ BussinessInc miêu tả đại công xưởng Fremont là "một ví dụ mạnh mẽ cho sự lãnh đạo hời hợt". Elon Musk cố tình lờ đi tất cả. Để xoa dịu làn sóng phẫn nộ của nhân viên, Elon Musk chỉ gửi email đến từng người và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, cùng lời hứa sẽ chăm sóc đặc biệt cho những người bị thương.
"Không một lời nào có thể diễn tả sự quan tâm và lo lắng cho sự an nguy và sức khỏe của các bạn. Tôi đã yêu cầu đội an toàn lao động phải gửi báo cáo mỗi tuần và mọi thương tổn đều được giải quyết triệt để. Nếu cần thiết, tôi sẽ xuống tận dây chuyền sản xuất, làm thay công việc của từng người bị thương", Elon Musk viết trong email.
Tuy nhiên, nhiều công nhân bị thương cho rằng đó chỉ là "một chiêu trò PR" vì họ vẫn không nhận được bất cứ đền bù nào cho vết thương của mình. Không một ai trong số nhân viên tại dây chuyền sản xuất nhìn thấy Elon Musk làm thay công việc của những người kia như đã viết trong email cả.
"Đợt này có tất cả 10 người bị thương, không lẽ Elon Musk có thể làm thay công việc của 10 người", Richard Ortiz, nhân viên Tesla trả lời Guardian.
Vài phút trước khi cuộc họp bắt đầu, tất cả nhân viên đứng vây quanh cửa ra vào, thấp thỏm. Họ đều chờ đợi sự xuất hiện của vị CEO mà họ thần tượng bấy lâu. Khi Elon đặt bước chân đầu tiên vào căn phòng, cả đám đông lao nhao vỗ tay đón chào.
Lớn lên tại Nam Phi, Elon Musk sớm đón nhận nhiều thành công tại Mỹ. Ông là một trong những người sáng tạo ra PayPal, dịch vụ thanh toán điện tử nổi tiếng. Năm 2008, Elon Musk chế tạo chiếc xe điện đầu tiên tên mang Roadster. Sau đó 4 năm, mẫu xe Model S ra đời và dần độc chiếm thị trường các nước.
Elon Musk trực tiếp giám sát mọi công việc tại Tesla. Người ta có thể thấy ông chủ Tesla ở dây chuyền sản xuất, sửa chữa robot hay thậm chí ở phòng thay đồ. Nhiều nhân viên cuồng nhiệt còn cố ý lảng vảng quanh khu vực mà Elon Musk hay lui tới chỉ để nhìn ông.
"Hôm nay tôi chạm mặt Elon Musk đó, ông ấy cứ như từ trường vậy", một nhân viên phấn khích.
Người ta miêu tả Elon Musk là con người cực đoan đầy thân thiện. Trong một cuộc họp, lời nói của ông rất có trọng lượng và luôn kiên định với suy nghĩ của mình. Ngược lại, Elon Musk sẽ không ngại nhảy cẫng lên, ôm hôn người công nhân cấp thấp khi nghe tin Tesla đạt nhiều lợi nhuận.
Khác với những doanh nhân thành đạt, Elon Musk mong muốn thay đổi cả thế giới bằng những phát minh cấp tiến. Người ta ví von Elon Musk là thiên tài dám suy nghĩ trước cả thế giới và chấp nhận đánh đổi mọi thứ để theo đuổi giấc mơ của mình. Elon Musk từng được đạo diễn phim Jon Favreau mượn hình tượng để phát triển nhân vật tỷ phú trong loạt phim Iron Man nổi tiếng.
Tuy nhiên, hình tượng hào nhoáng mà Elon Musk kì công xây dựng nhờ sự giúp đỡ của truyền thông nay đã sụp đổ hoàn toàn. Tháng 8/2018, sau khi nhục mạ người thợ lặn giải cứu đội bóng Thái Lan trên Twitter, Elon Musk lại lên tiếng gọi phóng viên Buzzfeed News là "thằng khốn".
Đầu tháng 9/2018, trong một chương trình podcast với Joe Rogan, hình ảnh một Iron Man đời thực phì phèo điếu cần và nhắm rượu Whiskey lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Internet. Trong mắt người đời, Elon Musk không còn là thiên tài xe điện đầy ngưỡng mộ mà chỉ là một gã trung niên mong manh, nhạy cảm.
"Là một nhân viên Tesla, tôi cảm thấy xấu hổ cho những hành động CEO của chúng tôi", một nhân viên giấu tên chia sẻ với Guardian.
Khoảng thời gian Tesla đẩy mạnh sản xuất các mẫu xe điện tự hành, Elon Musk ép nhân viên phải làm việc đến kiệt sức. Tần suất công việc lớn đến mức Elon Musk nghĩ ra nhiều cách tập trung vào công việc triệt để. Đặc biệt, ông ra lệnh cho Mike Kirschner, chuyên viên phát triển môi trường làm việc chế tạo ra chiếc ghế đeo lưng, giúp nhân viên làm việc mọi nơi mọi lúc.
Bên cạnh đó, ông chủ Tesla thích vắt kiệt chất xám người dưới quyền. Nhân viên thường nhận phải các deadline cực kì bất ngờ và gấp rút. Theo lời kể của một nhân viên Tesla, đội của anh cần 10 tuần để hoàn thành một dự án. Elon Musk bắt họ hoàn thành trong vòng 6 tuần, sau đó deadline rút lại chỉ còn 4 tuần.
Theo Glassdoor, chỉ số cân bằng công việc/đời tư tại Tesla chỉ ở mức 2,6 trên thang 5 điểm, thấp hơn rất nhiều so với những công ty sản xuất xe khác. Mặt khác, nhân viên tại đây bỏ việc chỉ sau 2 năm. Tesla xếp cuối danh sách những nơi giữ chân nhân viên lâu nhất, trong đó Apple nhiều nhất là 5 năm, theo LinkedIn.
Bất chấp những ý tưởng cấp tiến mà Tesla vẽ ra, nhiệm vụ của nhân viên tại đây chỉ là hoàn thành những vọng tưởng của Elon Musk. Nhân viên Tesla kể rằng họ không được quyền sáng tạo, tất cả đều là công cụ của Tesla. Người phản kháng sẽ bị loại bỏ.
"Ông Elon Musk có sở thích sa thải nhân viên đột ngột", một kĩ sư cơ khí nói.
Anh là một trong những người chứng kiến cảnh cả đội ngũ công nhân vài chục người bị sa thải trong phút chốc chỉ vì họ nằm trong diện tái cơ cấu nhân lực hàng năm. Tháng 6/2018, hơn 250 nhân viên từ kì cựu cho đến lính mới buộc phải kết thúc hợp đồng. Trong số đó, quá nửa bị quỵt tiền lương.
"Bị sa thải bất ngờ, tôi không được trả đồng nào vì chưa thanh lý hợp đồng với khách hàng", một cựu nhân viên bán hàng ở Tesla nói với Bussiness Insider.
Theo lời một trưởng bộ phận giấu tên, Elon Musk là thiên tài nhưng cách quản lý nhân lực lại tệ hại. Cả hệ thống quản lý nhân viên tại Tesla đều yếu kém về mọi mặt. Ví dụ, mọi nhân viên Tesla có nghĩa vụ phản hồi trực tiếp với Elon Musk mọi vấn đề, suy nghĩ. Tuy nhiên, chính sách này có khá nhiều bất cập.
Elon Musk làm cả ban quản trị sợ hãi khi chuyển tiếp email từ nhân viên với tiêu đề chỉ vọn vẹn ba chữ cực kì thô lỗ (WTF?). Người gửi lẫn người nhận lập tức dừng mọi hoạt động đang làm và cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề. Elon Musk còn không nói rõ cho họ nên làm thế nào, chỉ chửi đổng.
"Điều này diễn ra rất nhiều lần. Chính sách thoải mái quá lại không tốt cho công việc quản trị. Ai cũng có đặc quyền email thẳng cho Elon Musk có hại nhiều hơn lợi", vị trưởng bộ phận giấu tên chia sẻ.
Việc sử dụng mạng xã hội của Elon Musk là cả một vấn đề to lớn. Những dòng tweet của ông chủ Tesla đẩy cả tập đoàn vào những tình huống éo le.
Đầu tháng 8/2018, chỉ với một dòng tweet ngắn gọn, Elon Musk kéo Tesla vào một cuộc điều tra toàn diện của Ủy ban chứng khoán Mỹ S.E.C. Elon Musk và các thành viên cấp cao nhận được trát hầu tòa. Tổ chức này nghi ngờ Elon Musk dùng nguồn tiền bẩn để tư nhân hóa Tesla.
Dòng tweet được soạn trong lúc ông đang trên đường đi ra sân bay, ý muốn thông báo rằng mình đã sẵn sàng cho công việc trên. Kết quả, giá cổ phiếu Tesla tăng lên đến 11%.
Ngày 15/7, ông chủ Tesla vấp phải vô số chỉ trích từ cộng động mạng sau khi công khai gọi nhà thám hiểm hang động người Anh Vern Unsworth là "gã ấu dâm" trên Twitter. Ngày 28/8, Elon Musk lại đăng một dòng tweet đầy thách thức nhắm vào người mình đã từng miệt thị. Ông thắc mắc tại sao vẫn chưa thấy người thợ lặn kiện mình ra tòa.
Elon Musk không hiểu được rằng người ta chỉ đơn giản không muốn dính dáng pháp lý với một tỷ phú.
"Ông chủ của chúng tôi vốn thẳng thắn và khó chịu nên để lại những câu nói không hay đặc biệt là trước công chúng", một nhân viên dưới quyền Elon Musk nói.
Elon Musk đã phải trả giá cho tính cách bốc đồng và phát ngôn của mình. Ngày 18/9, thợ lặn người Anh chính thức đệ đơn kiện CEO Tesla lên tòa án bang California (Mỹ). Vern Unsworth yêu cầu bồi thường khoản tiền 75.000 USD, mức tối thiểu cho tội phỉ báng để bù đắp những "tổn thương" mà ông phải chịu đựng từ "khắp thế giới". Đoạn tweet hồi tháng 7 của Musk đã kéo theo làn sóng tấn công Vernon từ 22 triệu người dùng theo dõi ông chủ Tesla trên Twitter.
"Sức ảnh hưởng hay sự giàu có của Elon Musk không biến những lời dối trá của ông ta thành sự thật, hoặc bảo vệ những hành vi sai trái đó trước tòa án pháp luật", luật sư nguyên đơn L. Lin Wood cho biết.
Môi trường lao động ở Tesla luôn là vấn đề đáng tranh cãi. Theo Trung tâm điều tra Lao động Mỹ, tỷ lệ người bị thương tại công ty này lớn hơn hẳn so với các doanh nghiệp khác.
"Chúng tôi luôn cố hết sức chăm lo đời sống nhân viên. Quy chuẩn an toàn lao động của Tesla cũng như những hãng xe khác, luôn cải thiện hàng tháng. Chúng tôi mong muốn tạo ra môi trường làm việc bình yên nhất tại công xưởng này", đại diện Tesla trả lời Bussiness Insider.
Nhiều nhân viên dưới quyền Elon Musk tin tưởng rằng đãi ngộ của Tesla rất tốt. Chẳng hạn, ở đây những buổi hướng dẫn an toàn lao động diễn ra hàng tháng, quản đốc tại các dây chuyền sản xuất cực tận tâm, giúp đỡ nhân viên. Không những thế, những bộ đồ gắn máy nhận biết stress được chế tạo dành cho tất cả mọi người ở Tesla. Công ty còn thuê huấn luyện viên chuyên nghiệp giúp nhân viên tập thể dục thể thao, giải thỏa căng thẳng.
Trái ngược với những hình ảnh trên, một nhân viên giấu tên cho biết tai nạn xảy ra như cơm bữa tại Tesla. Mức độ từ bị thương nhẹ đến thương vong đều có, nhưng thông tin nhanh chóng bị dập tắt.
Lời nói của Phillips hoàn toàn có thể chứng thực được. Theo thông báo của sở cảnh sát Fremont, cơ quan này tiếp nhận hơn 300 cuộc gọi từ nhà máy trong khoảng giữa tháng 1/2016 và tháng 3/2018. Mục đích gọi đến đa số đều thông báo những vụ việc tai nạn lao động nhưng lại "không có thương vong tại hiện trường".
"Điều này có thể lý giải được. Đa số nhân viên tại Tesla hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc trong nhà máy", Kirschner nói.
Quy trình giải quyết tai nạn của Tesla khá lập cập. Cụ thể, khi sự việc xảy ra nạn nhân phải được đưa hẳn ra khỏi khu vực làm việc để không gây cản trở. Theo hướng dẫn, nhân viên lập tức gọi cho bảo vệ nội bộ để thực hiện sơ cứu cho nạn nhân. Sau đó, người bị nạn được chuyển đến y tá và từ đó xe cứu thương sẽ được gọi nếu vết thương nghiêm trọng.
"Trong mọi trường hợp, nhân viên không được phép gián đoạn dây chuyền sản xuất", Phillips chia sẻ.
Tesla đang đối mặt với những lời cáo buộc về vi phạm luật an toàn lao động, bóc lột chất xám công sức nhân viên trắng trợn. Không những thế, cựu kỹ sư Tesla Karl Hansen tố cáo công ty này cố tình hack điện thoại cá nhân nhằm theo dõi nhân viên và tham nhũng vật liệu thô. Hiện Tesla vẫn chưa có những động thái tích cực giải quyết triệt để vụ việc trên.
"Tôi thực lòng kính trọng Elon Musk, nhưng ông ta chỉ nên làm một nhà sáng chế và nhường chức CEO cho người khác đủ khả năng hơn", một nhân viên cơ khí nói.